Siêu máy tính này được dùng để thực hiện những nhiệm vụ trong trí tuệ nhân tạo.

00:03 12/06/2023

Các nhà khoa học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết, máy tính lượng tử Jiuzhang mà họ đang phát triển có thể thực hiện những nhiệm vụ thường dùng trong trí tuệ nhân tạo (AI) nhanh hơn 180 triệu lần so với siêu máy tính mạnh nhất thế giới hiện nay.

Jiuzhang có thể giải quyết những vấn đề trong ứng dụng khai phá dữ liệu, thông tin sinh học, phân tích mạng lưới và nghiên cứu mô hình hóa học. Kết quả thí nghiệm được nhóm nghiên cứu công bố trên tạp chí uy tín Physical Review.

Trưởng nhóm nghiên cứu Pan Jianwei, nhà vật lý ở Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, cho biết, Jiuzhang được sử dụng để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong thế giới thực mà những siêu máy tính truyền thống chưa xử lý được.  

Trong một thử nghiệm, nhóm nghiên cứu dùng Jiuzhang để giải một bài toán khó đối với máy tính truyền thống. Trong quá trình này, Jiuzhang đã sử dụng hơn 200.000 mẫu và mất thời gian chưa tới 1 giây để xử lý. Trong khi đó, để tạo ra mỗi mẫu một siêu máy tính truyền thống nhanh nhất trên thế giới sẽ mất 700 giây, tức là sẽ mất gần 5 năm để xử lý hơn 200.000 mẫu.

Về lý thuyết, máy tính lượng tử nhanh và mạnh hơn nhiều so với máy tính thông thường. Tuy nhiên, các hạt hạ nguyên tử ở trung tâm của công nghệ này rất mong manh, tồn tại trong thời gian ngắn và một sự xáo trộn nhỏ từ môi trường xung quanh cũng có thể gây ra lỗi. Vì vậy, để tránh bị gián đoạn, đa số máy tính lượng tử hoạt động trong môi trường cực lạnh và biệt lập.

Không giống các máy tính lượng tử khác, Jiuzhang sử dụng ánh sáng làm phương tiện vật lý để tính toán nên nó không cần phải hoạt động ở nhiệt độ cực thấp trong môi trường kín và vận hành ổn định lâu hơn.

 

 

Theo Đông Phong/Tổ Quốc