Tại sao Từ Hi Thái hậu lại không sợ việc chụp ảnh sẽ lấy đi linh hồn của mình?
Đầu năm 1839, người Pháp đã chế tạo ra chiếc máy ảnh đầu tiên trên thế giới. Chiếc máy ảnh đó dần trở nên phổ biến ở châu Âu và Mỹ, trở thành trò tiêu khiển của các chức sắc. Tuy nhiên, đối với người Trung Quốc ngày xưa, họ nghĩ việc chụp ảnh sẽ lấy đi linh hồn con người.
Năm 1903, Từ Hi Thái hậu chụp bức ảnh đầu tiên trong cuộc đời mình. Trong ảnh là một nhóm thái giám với gương mặt không mang biểu cảm, người ngồi trên chiếc ghế bành chính là Từ Hi Thái hậu với bộ y phục lộng lẫy.
Trong suy nghĩ của nhiều người, Từ Hi Thái hậu là một người rất bảo thủ, có tư duy chống lại những phát minh"kỳ quặc" từ Phương Tây. Trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Khi cần thiết, Từ Hi Thái hậu cũng tiếp nhận những điều mới mẻ.
Năm 1888, đại thần Lý Hồng Chương đã dâng tặng Từ Hi Thái hậu một món quà. Đó chính là đoạn đường sắt bắt đầu từ Tử Quang Các, Tây Uyển và kết thúc ở Tĩnh Tâm Trai, Bắc Hải. Mỗi ngày Từ Hi Thái hậu đều ngồi trên một chuyến tàu để ngắm cảnh.
Về sau, Trung Quốc bắt đầu phát triển đường sắt mạnh mẽ hơn. Từ lúc đó đến khi nhà Thanh suy vong, triều đình đã xây dựng hơn 40 tuyến đường sắt với tổng chiều dài hơn 9.100km qua 18 tỉnh thành.
Từ Hi Thái hậu tiếp nhận sự mới lạ của máy chụp ảnh là nhờ sự ảnh hưởng của Đức Linh Công chúa. Đức Linh Công chúa sinh năm 1885, phụ thân là Dụ Canh, một nhà ngoại giao của triều Thanh. Dụ Canh từng được phái đến sống ở Nhật Bản và Pháp trong 6 năm. Trong thời gian này, Đức Linh Công chúa và gia đình cũng ra nước ngoài sống cùng nhau. Mùa đông năm 1902, Dụ Canh về nước sau khi kết thúc nhiệm kỳ, Đức Linh Công chúa cũng trở về cùng cha.
Lúc này, Từ Hi Thái hậu cần một người thành thạo ngoại ngữ và quen thuộc với nghi thức phương Tây làm phiên dịch viên cho mình. Chính vì vậy, đầu năm 1903, Đức Linh Công chúa và em gái Dung Linh cùng nhau tiến cung, hầu hạ bên cạnh Từ Hi Thái hậu.
Đức Linh Công chúa vốn thông minh lại có kiến thức uyên bác nên được Từ Hi Thái hậu đặc biệt yêu thích. Mỗi ngày bà đều cùng 2 chị em Đức Linh Công chúa >trang điểm, du ngoạn, xem kịch, học lái xe, tập viết chữ, ngắm hoa, nuôi chó, đổ xúc xắc và nhiều hoạt động thú vị khác.
Lúc rảnh rỗi, Đức Linh Công chúa thường mang những bức ảnh mình chụp tại Nhật Bản và Pháp cho Từ Hi Thái hậu xem. Bà đã rất ngạc nhiên và bị ám ảnh bởi những bức ảnh đấy. Đức Linh Công chúa nói: "Chỉ cần mới mẻ ta đều muốn thử, nhất là những người bên ngoài sẽ không thể biết chuyện gì xảy ra ở đây".
Vào một ngày trong năm 1903, Từ Hi Thái hậu đã chụp bức ảnh đầu tiên trong đời mình. Từ lúc đó, bà thường xuyên chụp ảnh hơn. Bất kỳ hoạt động thường ngày như ngồi trên long tọa, lúc ngắm hoa, lúc đi du ngoạn bên hồ, Từ Hi Thái hậu cũng muốn lưu giữ lại.
Và cũng chính vì thế, những người thời sau mới có thể nhìn thấy nhan sắc thật sự của Từ Hi Thái hậu sau hơn 100 năm.
Từ Hi Thái hậu thật sự say mê máy chụp ảnh và luôn tìm hiểu nguyên lý hoạt động của chúng, điều này dẫn đến nhiều câu truyện hài hước. Đức Linh Công chúa đã ghi chép lại một chuyện thú vị trong quyển hồi ký "Thanh cung nhị niên ký":
Trong một lần chụp ảnh, Từ Hi Thái hậu đứng trước máy chụp ảnh và tự hỏi: 'Thật sự rất kỳ lạ, thứ này làm sao lại có thể mang tướng mạo của một người vào trong bức ảnh được nhỉ?'.
Thế là bà đã gọi một thái giám đứng trước máy chụp ảnh để tìm hiểu nguyên lý hoạt động của chúng. Khi nhìn vào máy chụp ảnh, bà đột nhiên hét to: 'Tại sao đầu của ngươi lại chỉa xuống đất, vậy hiện tại ngươi đang đứng bằng đầu hay đứng bằng chân?'. Câu nói này khiến những người có mặt tại đó không thể nhịn được cười lớn.
Ngoài chụp ảnh bản thân, Từ Hi Thái Hậu còn thích chụp ảnh những người xung quanh và thường xuyên có ý tưởng quái dị. Trong một lần chụp ảnh, bà đã yêu cầu Khánh Vương phủ Tứ cách cách trang thành Long nữ, còn thái giám thân cận Lý Liên Anh hóa thân thành Thiện Tài đồng tử (là nhân vật chính trong Phẩm Nhập Pháp Giới trong kinh Hoa Nghiêm).