Do quá bận rộn, mẹ của cậu bé không phát hiện ra sự cố đáng tiếc xảy ra với con trai của mình.
Theo Gia đình và Xã hội dẫn tin từ Sin Chew và Bernama, vào ngày 1/4 vừa qua, một cậu bé 3 tuổi sinh sống tại Kelantan (Malaysia) được cho là đã> tử vong thương tâm sau 2 tiếng bị bỏ quên trong xe ô tô của gia đình.
Bà của cậu bé cho biết, vào ngày xảy ra sự việc, do mẹ của cậu bé đang bận rộn trong bếp nên đã cho phép hai anh em và hai đứa trẻ khác cùng nhau ra sân sau chơi. Khi ra đến sân, cả hai anh em đã leo lên chiếc ô tô cũ của ông nội. Sau một lúc, những đứa trẻ ra về nhưng cậu bé nhất quyết ở lại trong xe.
"Khoảng 2 giờ sau, chúng tôi mới nhận ra thằng bé không có ở nhà. Khi ra đến sân sau thì chúng tôi thấy nó đang nằm úp mặt trên ghế ô tô" - bà của cậu bé cho biết.
Ngay khi sự việc được phát hiện, cậu bé đã ngay lập tức được đưa đến bệnh viện gần nhất. Tuy nhiên, cậu bé được thông báo là đã tử vong do sốc nhiệt.
Theo Tạp chí Phụ nữ Mới, được biết, việc trẻ em thiệt mạng sau khi bị bỏ quên trên xe ô tô từng xảy ra không ít lần do sự bất cẩn của người lớn. Theo một nghiên cứu từ Mỹ, cơ thể trẻ em nóng lên nhanh gấp 3 đến 5 lần so với người lớn. Khi bị bỏ lại trong một chiếc xe hơi nóng, các cơ quan trong cơ thể của một đứa trẻ bắt đầu ngừng hoạt động khi nhiệt độ đạt tới 40 độ C. Một đứa trẻ có thể tử vong khi nhiệt độ cơ thể đạt ngưỡng trên 41.6 độ C.
PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, việc bỏ quên trẻ trên xe ô tô sẽ gây ra nhiều hệ luỵ nguy hiểm. Nặng thì dẫn đến tử vong, nhẹ thì dẫn đến suy đa tạng, với thời tiết nắng nóng như mấy ngày nay thì trẻ dễ sốc nhiệt, gây ra tình trạng mất nước, sốt, tổn thương các tạng, ảnh hưởng đến thần kinh, tinh thần vận động.
“Mỗi một ông bố bà mẹ khi sử dụng xe ô tô phải lưu ý tuân thủ những quy định trên xe, trước khi xuống xe phải kiểm tra và quan sát môi trường xung quanh xe. Bố mẹ phải tự ý thức được kiến thức cơ bản >chăm sóc con, khi đưa con đi chơi trên ô tô phải nhớ đến con, không được tập trung mải chơi hoặc mải dùng điện thoại mà quên con”, PGS.TS Trần Minh Điển cảnh báo.
Ngoài ra, với những trẻ đã lớn, có nhận thức hơn thì các bậc cha mẹ nên hướng dẫn con những kiến thức và kỹ năng cơ bản cần thiết khi gặp các tình huống nguy hiểm, bởi khi đó có khi chỉ 1% cơ hội cũng bảo toàn được mạng sống.
Nguồn: Gia đình và Xã hội