Trong vòng 18 tháng kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, đã có nhiều bước tiến lớn trong việc phát minh ra các phương pháp tiếp cận khác nhau để theo dõi và kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2

Thanh Thủy (TH) 14:14 19/07/2021

Theo thông tin từ trang sciencedaily.com, các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp mới nhanh chóng, độ chính xác cao có thể phát hiện các kháng thể chống lại protein gai (spike protein) của SARS-CoV-2 trong huyết thanh người. Từ đó mở ra một hướng đi mới để hiểu rõ hơn về mức độ của đại dịch cũng như đánh giá hiệu quả của vắc xin> COVID-19.

Phương pháp RT-PCR: Tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán COVID-19

Trong vòng 18 tháng kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, đã có nhiều bước tiến lớn trong việc phát minh ra các phương pháp tiếp cận khác nhau để theo dõi và kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Chẩn đoán nhanh chóng, chính xác luôn là yếu tố quan trọng trong việc phát hiện và kiểm soát dịch bệnh.

Tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh kể từ đầu đại dịch là phương pháp RT-PCR (Xét nghiệm sinh học phân tử realtime). Đây là phương pháp xét nghiệm xác định sự hiện diện của virus thông qua phát hiện vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2. Phương pháp này hiện đang được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới với độ chính xác rất cao.

Ảnh minh họa: Internet

Hạn chế của RT-PCR

Tuy nhiên, phương pháp này tốn khá nhiều thời gian, công sức. Đồng thời, cũng đòi hỏi thiết bị máy móc phức tạp và chỉ có thể phát hiện khi có hiện diện của RNA virus trong mẫu.

Ngoài ra, RT-PCR chỉ có thể phát hiện sự hiện diện của RNA virus trong các mẫu mà không thể phát hiện được kháng thể chống lại virus ở những bệnh nhân đang hồi phục sau khi đã nhiễm bệnh. Trong khi đó, theo ước tính, có khoảng 40% đến 45% người nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng. Việc xác định những người có thể đã mắc bệnh COVID-19 nhưng lại không triệu chứng là điều quan trọng để kiểm soát mức độ lây lan của đại dịch.

Bên cạnh đó, đa phần các xét nghiệm có sẵn trên thị trường nhằm phát hiện sự hiện diện của các kháng thể chống lại SARS-CoV-2 đều không chính xác. Trong số đó phải kể đến xét nghiệm miễn dịch dòng chảy bên (FLI). Mặc dù cho kết quả nhanh chóng, nhưng đây chỉ là phương pháp định tính chứ không thể định lượng được kháng thể. Hơn nữa, phương pháp này không thể mở rộng quy mô nhằm hạ thấp chi phí xét nghiệm.

Phương pháp xét nghiệm mới hiệu quả, chính xác

Mới đây, một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Hokkaido, Nhật Bản, đã phát triển phương pháp xét nghiệm miễn dịch phân cực huỳnh quang không cạnh tranh (FPIA) giúp phát hiện kháng thể chống lại SARS-CoV-2 trong huyết thanh. Phương pháp này không chỉ nhanh chóng mà còn có thể được sử dụng để định lượng các kháng thể. Trước đây, FPIA đã được ứng dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm và y tế. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện nhiều cải tiến đối với phương pháp và các thiết bị liên quan. Bao gồm cả việc phát triển máy phân tích phân cực huỳnh quang di động.

Thử nghiệm FPIA được tiến hành bằng cách trộn các protein gai SARS-CoV-2 tái tổ hợp được đánh dấu huỳnh quang (F-RBD) và huyết thanh người. Những người đã nhiễm hoặc được chủng ngừa SARS-CoV-2 sẽ có kháng thể kháng protein gai trong huyết thanh của họ. Khi các kháng thể này liên kết với F-RBD, ánh sáng phân cực được phát ra, trong khi F-RBD đơn độc sẽ phát ra ánh sáng khử cực. Thông qua việc đo mức độ phân cực bằng máy phân tích phân cực huỳnh quang, có thể xác định được nồng độ của kháng thể. Các nhà khoa học đã tối ưu hóa thử nghiệm và đánh giá nó bằng cách sử dụng các mẫu huyết thanh từ những người được chẩn đoán nhiễm COVID-19 và không nhiễm SARS-CoV-2.

Thử nghiệm được chứng minh là có độ chính xác cao, nhanh chóng và dễ thực hiện. Phương pháp test này chỉ mất khoảng 20 phút để hoàn thành, so với khoảng 2 giờ ở những thử nghiệm khác. Hơn nữa, thiết bị cần thiết cho thử nghiệm có tính di động cao, chỉ nặng khoảng 4,3 kg. Kết hợp các tính năng nổi bật này làm cho xét nghiệm trở thành một lựa chọn tuyệt vời để phát hiện và định lượng các kháng thể chống lại SARS-CoV-2.

Phương pháp thử nghiệm này hiện có thể được sử dụng với 2 mục đích: Sàng lọc các quần thể lớn để xác định phạm vi của dịch bệnh và đánh giá hiệu quả của vắc xin SARS-CoV-2 dựa trên phản ứng kháng thể.

Thanh Thủy (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe