Căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - Trung tiếp tục leo thang khiến các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn đẩy vàng lên mức cao kỷ lục, bạc cao nhất 7 năm. Dầu cũng tăng bởi hy vọng các biện pháp kích thích kinh tế của Mỹ.
Dầu tăng bởi hy vọng vào biện pháp kích thích của Mỹ
Giá dầu tăng trong ngày 27/7 do hy vọng nỗ lực kích thích sẽ giúp hồi sinh nền kinh tế Mỹ, nhưng đà tăng bị hãm lại bởi số ca nhiễm coronavirus gia tăng cũng như căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Dầu thô Brent chốt phiên tăng 7%, đạt 43,41 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI tăng 31 cent lên 41,60 USD/thùng.
Đồng USD yếu làm hàng hóa tính bằng USD rẻ hơn cho những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, cũng giúp thúc đẩy giá dầu. Chỉ số USD rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2018 do những lo ngại về kinh tế trong nước và quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi.
Căng thẳng trở lại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sau các quyết định đóng cửa lãnh sự quán tại Houston và Thành Đô đã đẩy các nhà đầu tư tìm đến các nơi trú ẩn an toàn, như vàng hoặc trái phiếu và tránh xa các tài sản rủi ro như dầu mỏ.
Trong khi nhu cầu dầu mỏ tăng sau khi sụt giảm trong quý hai, việc áp dụng trở lại biện pháp phong tỏa bởi tỷ lệ ca nhiễm gia tăng đã khiến sự phục hồi không đều. Giá dầu Brent tiếp tục giữ được đà tăng tháng thứ tư liên tiếp và dầu WTI thiết lập mức tăng tháng thứ ba do được hỗ trợ từ việc cắt giảm nguồn cung của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và Nga.
Khí tự nhiên giảm hơn 4%
Khí tự nhiên của Mỹ giảm hơn 4% do sự gia tăng sản lượng chậm lại và nhu cầu làm mát giảm đi.
Mặc dù các nhà khí tượng dự báo nhiệt độ sẽ ấm hơn bình thường đến ít nhất giữa tháng 8, họ cũng dự đoán những ngày nóng nhất mùa hè đã trôi qua. Thời tiết ở phần lớn nước Mỹ đã nóng hơn bình thường kể từ cuối tháng 6.
Giá khí tự nhiên giảm 7,4 US cent hay 4,1% đóng cửa tại 1,734 USD/mmBtu, đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 22/7.
Vàng lên mức cao kỷ lục, bạc cao nhất 7 năm
Giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục trong phiên đầu tuần, do các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn do một nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch lại tiếp tục bị căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Vàng giao ngay trong phiên đạt mức cao kỷ lục 1.945,16 USD/ounce và chốt phiên tăng 1,8% lên 1.934,62 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 cũng tăng 1,8% lên 1.931 USD.
Bạc tăng khoảng 8% lên 24,57 USD, mức cao nhất kể từ tháng 8/2013 và chốt phiên tăng 6,9% lên 24,31 USD/ounce.
Chỉ số USD xuống thấp nhất trong 2 năm do căng thẳng Mỹ - Trung Quốc và lo ngại về kinh tế Mỹ khi số ca nhiễm virus Covid-19 không có dấu hiệu chậm lại tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Từ đầu năm tới nay vàng đã tăng 28%, đánh dấu sự thay đổi so với trước đại dịch, khi vàng phải cạnh tranh với những thiên đường an toàn khác như USD, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đã hạn chế dòng tiền đổ vào vàng.
Vàng được coi như một phòng hộ chống lại lạm phát và sự mất giá của tiền tệ, các nhà phân tích cũng chỉ ra dòng tiền lớn đổ vào các quỹ tín thác vàng là một động lực hỗ trợ sự tăng giá.
Giá đồng tăng nhờ kỳ vọng nhu cầu hồi phục
Giá đồng tăng trong phiên, bởi đồng USD suy yếu và dự đoán nhu cầu toàn cầu phục hồi, nhưng tình trạng không chắc chắn về tiêu thụ tại Trung Quốc đã hạn chế đà tăng.
Đồng trên sàn giao dịch kim loại London tăng 0,1% lên 6.421 USD/tấn. Giá kim loại này đã tăng gần 50% kể từ mức thấp nhất 4 năm hồi tháng 3 khi các thị trường bị ảnh hưởng bởi việc phong tỏa do Covid-19.
Các thị trường sẽ xem xét kỹ lưỡng các cuộc khảo sát của các nhà quản lý mua hàng tại các công ty sản xuất trên toàn cầu để có manh mối về nhu cầu trong tương lai.
USD giảm khoảng 9% so với rổ các đồng tiền chủ chốt kể từ ngày 20/3. Đồng USD yếu khiến các kim loại rẻ hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác, có thể thúc đẩy nhu cầu.
Quặng sắt Trung Quốc tiếp tục giảm giá
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm phiên thứ 3 liên tiếp, do tồn kho tại cảng đang tăng lên.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa phiên giảm 2% xuống 815 CNY (116,48 USD)/tấn, sau khi giảm khoảng 2,7% trước đó.
Nguồn cung từ 4 công ty khai mỏ hàng đầu vẫn trong dự đoán. Dựa theo số liệu nhập khẩu, lượng quặng sắt cập cảng trong giai đoạn tới sẽ giảm nhưng vẫn ở mức cao. Nguồn cung quặng sắt đang phục hồi và sự hỗ trợ về giá sẽ suy yếu.
Tồn kho quặng sắt đã nhập khẩu tại các cảng của Trung Quốc tăng tuần thứ 6 liên tiếp lên 115,05 triệu tấn, tính tới ngày 26/7, mức cao nhất trong gần 3 tháng, theo số liệu từ công ty tư vấn SteelHome.
Giá thép thanh kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 1,2% xuống 3.723 CNY/tấn. Thép cuộn cán nóng sử dụng trong lĩnh vực sản xuất giảm 1,1% xuống 3.747 CNY/tấn.
Thép không gỉ trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 0,7% lên 13.720 CNY/tấn.
Cao su giảm gần 1%
Giá cao su trên sàn giao dịch Tokyo (TOCOM) giảm gần 1% do lo ngại về ảnh hưởng của làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu của các hàng hóa.
Chính phủ Nhật Bản cho biết họ sẽ khuyến khích các công ty hướng tới 70% làm việc từ xa và tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội trong bối cảnh số ca nhiễm trong công nhân tăng lên.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12 của Nhật Bản đóng cửa giảm 1,4 JPY hay 0,9% xuống 158,2 JPY/kg.
Hợp đồng cao su chuẩn của Nhật Bản đã được chuyển sang sàn giao dịch Osaka trong ngày 27/7, là một phần của việc sắp xếp lại giao dịch sau khi Japan Exchange Group Inc tiếp quản TOCOM vào năm ngoái. Japan Exchange, điều hành thị trường chứng khoán Tokyo, cũng sở hữu sàn giao dịch Osaka.
Đường tăng do tin tức có thêm nhu cầu
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa tăng 0,63 US cent hay 5,5% lên 12,12 US cent/lb sau khi đạt đỉnh 12,14 US cent, mức cao nhất kể từ ngày 9/7.
Các đại lý cho biết các yếu tố hỗ trợ gồm nhu cầu từ Trung Quốc, hạn hán tại Thái Lan và đồng real của Brazil mạnh hơn, có thể hạn chế doanh số bán ra từ nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới này.
Nhập khẩu đường của Trung Quốc trong tháng 6 cao hơn nhiều so với cùng tháng năm trước.
Pakistan có thể nhập khẩu khoảng 300.000 tấn đường để giải quyết tình trạng thiếu hụt.
Một đại lý cũng cho biết có các cuộc đàm phán về việc Indonesia mở lại giấy phép nhập khẩu mới cho đường thô.
Đường trắng kỳ hạn tháng 10 tăng 14,9 USD hay 4,3% lên 365,2 USD/tấn.
Cà phê arabica tăng, robusta giảm
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 đóng của tăng 2 US cent hay 1,8% lên 1,104 USD/lb bởi đồng real của Brazil mạnh lên.
Công ty môi giới Escritorio Carvalhaes trụ sở tại Brazil cho biết nông dân tại đây sẽ trì hoãn việc bán ra khi họ kiếm được ít hơn dưới dạng đồng real.
Cà phê rubusta kỳ hạn tháng 9 tăng 12 USD hay 0,9% lên 1.346 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 28/07