Khoảng 100 con voi được giải cứu thoát khỏi lũ lụt nghiêm trọng tại khu bảo tồn nổi tiếng ở miền bắc Thái Lan.
Sơ tán hàng trăm con voi ở Chiang Mai do >ngập lụt
Theo hãng CNN, trận lũ lụt nghiêm trọng đã xảy ra ở khu bảo tồn voi nổi tiếng ở miền bắc Thái Lan vào ngày 3/10. Chính quyền địa phương buộc phải khẩn trương sơ tán khoảng 100 con voi trong khi hàng chục du khách hiện đang bị mắc kẹt ở khu vực này.
Video và hình ảnh từ Công viên Voi tự nhiên Chiang Mai cho thấy hàng chục con voi lội qua vùng nước sâu đến bụng để tìm nơi an toàn ở vùng đất cao hơn.
"Đây là đợt sơ tán lớn nhất mà chúng tôi từng thực hiện để cứu mạng những chú voi. Nước dâng rất nhanh", Saengduean Lek Chailert, nhà sáng lập Công viên Voi Tự nhiên nói và gọi đây là trận lũ nghiêm trọng nhất mà công viên từng trải qua.
Video cũng cho thấy người trông coi voi đã hét lên: "Tiến lên, tiếp tục đi" khi họ hối thúc những con voi khổng lồ bước ra khỏi chuồng và đi qua vùng nước lũ cao.
Mặc dù nhiều loài động vật tìm thấy nơi trú ẩn trên một ngọn núi gần đó vào vào rạng sáng 4/10 nhưng bà Saengduean cho rằng mối nguy hiểm vẫn chưa kết thúc.
"Có một số loài động vật mà chúng tôi không thể sơ tán ngay lập tức vào ngày 3/10. Hiện 13 con voi trưởng thành vẫn bị mắc kẹt trong nơi ở. Chúng đang hoảng loạn", bà Saengduean nói.
Miền Bắc Thái Lan đã phải hứng chịu lũ lụt và lở đất nghiêm trọng trong những tuần gần đây do >mưa lớn và ảnh hưởng của bão Yagi - cơn bão mạnh nhất châu Á trong năm nay.
Chính quyền tỉnh Chiang Mai, một điểm du lịch nổi tiếng ở Thái Lan, đã ban hành cảnh báo về khả năng xảy ra lũ lụt khi mực nước dọc theo Sông Ping, chảy qua thành phố, đạt đến mức nguy hiểm.
Với tình trạng lũ lụt lan rộng xung quanh công viên voi và mực nước vẫn đang dâng cao, người sáng lập Công viên Voi tự nhiên Saengduean cho biết họ đang phải đối mặt với viễn cảnh không mong muốn là tiếp tục công tác sơ tán lần thứ hai đối với tất cả các loài động vật còn lại.
"Tình hình tồi tệ hơn nhiều so với ngày hôm qua. Chúng tôi rất cần tình nguyện viên và lồng nhốt động vật vì phải di chuyển các loài động vật lên núi do đường sá bị cắt đứt hoàn toàn ở cả hai hướng", bà Saengduean nhấn mạnh và cho biết thêm bà đã yêu cầu sự giúp đỡ khẩn cấp từ chính phủ Thái Lan.
Theo bà Saengduean, khoảng 30 tình nguyện viên nước ngoài cũng đang bị mắc kẹt tại khu bảo tồn, bao gồm 5 người Mỹ, một số người đã làm việc tại công viên này trong nhiều tuần qua.
Công tác sơ tán vẫn tiếp tục
Công viên Voi tự nhiên là một trung tâm cứu hộ và phục hồi voi ở Chiang Mai, nơi đã cứu hơn 200 con voi khỏi ngành du lịch và khai thác gỗ kể từ những năm 1990. Công viên cũng tổ chức các tour du lịch và chương trình tình nguyện cho phép du khách quan sát các loài động vật hoặc giúp bảo tồn chúng.
Nhiều con voi bị mù hoặc bị thương, khiến chúng không thể thoát ra ngoài và gây phức tạp cho các nỗ lực sơ tán.
"Trong số những con vật được sơ tán, có rất nhiều con voi bị bệnh, một số con hầu như không thể đi lại được. Chúng tôi đã phải giúp chúng xuống chân núi và hiện rất cần sự giúp đỡ", bà Saengduean cho biết.
Ngoài voi, công viên còn là nơi sinh sống của khoảng 5.000 loài động vật khác cần được giải cứu bao gồm chó, mèo, ngựa, lợn và thỏ. Một đã số đã được sơ tán trong những ngày gần đây sau khi chính quyền ban hành cảnh báo lũ lụt.
Người đứng đầu Cục Công viên Quốc gia, Động vật hoang dã và Bảo tồn Thực vật (DNP) cho biết hiện tại không thể tiếp cận công viên do đường sá bị ngập lụt. Công viên rất cần thuyền và tình nguyện viên để giúp sơ tán những con vật còn lại.
Truyền thông địa phương ngày 3/10 đưa tin một số khu vực khác ở Chiang Mai như Mae Rim, nơi nổi tiếng với các công viên tự nhiên và hoạt động du lịch mạo hiểm, cũng bị ngập trong nước từ các dòng chảy ngược dòng.
Voi đã đóng góp cho xã hội Thái Lan và là biểu tượng của Thái Lan trong nhiều thế kỉ. Số lượng voi hoang dã tại Thái Lan đã suy giảm trong những thập kỷ gần đây do các mối đe dọa từ du lịch, khai thác gỗ, săn trộm và sự xâm lấn của con người vào môi trường sống của voi.
Các chuyên gia ước tính quần thể voi hoang dã ở Thái Lan đã giảm xuống còn 3.000-4.000 con, so với hơn 100.000 con vào đầu thế kỷ 20./.