Trong một hoạt động nghiên cứu về sông tại Tây Tạng, các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm thấy hàng loạt virus gần 15.000 tuổi trong lõi băng tại vùng cao nguyên nơi đây.
Theo trang Science Daily, phần lớn các virus cổ đại vừa được tìm thấy vẫn sống sót dù bị đóng băng hoàn toàn và số virus này không hề giống với bất kỳ loại virus nào đã được phân loại trước đây.
Trong một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Microbiome, tác giả là ông Zhi Ping Zhong, nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu và Địa cực thuộc Đại học bang Ohio, Mỹ, cho biết: “Những sông băng này được hình thành dần dần, cùng với bụi và khí, rất nhiều virus cũng được tích tụ ở đây
"Các sông băng ở miền Tây Trung Quốc chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng. Mục tiêu của chúng tôi là sử dụng thông tin này để phản ánh môi trường trong quá khứ. Virus là một phần của môi trường đó”, Zhi nói.
Trong quá trình phân tích mẫu băng gần 15.000 năm tuổi này, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy tận 33 mã di truyền của virus, trong đó có ít nhất 28 loại là lần đầu được con người biết đến. Không những vậy, quá nửa trong số các virus này vẫn sống sót dù bị đóng băng trong khoảng thời gian lâu đến như vậy.
Matthew Sullivan, đồng tác giả của nghiên cứu, giám đốc Trung tâm Khoa học Vi sinh vật ở bang Ohio, Mỹ, nói: “Đây là các loại virus có thể phát triển mạnh trong môi trường khắc nghiệt. Những virus này có gene đặc trưng giúp chúng có khả năng lây nhiễm trong môi trường lạnh”
Với sự phát hiện bất ngờ này, các nhà khoa học hy vọng sẽ có thể tìm thấy thêm nhiều chuỗi gene trong các môi trường khắc nghiệt như mặt trăng hay sao hỏa.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Lonnie Thompson thì cho rằng sự thành công khi phát hiện một lượng lớn các virus trong băng giúp con người hiểu rõ thêm về cách chúng tồn tại qua kỷ băng hà đến tận ngày nay.
“Chúng ta biết rất ít về virus và vi khuẩn trong những môi trường khắc nghiệt này. Chúng đối phó với biến đổi khí hậu ra sao? Chuyện gì xảy ra khi Trái đất chuyển từ kỷ băng hà lạnh giá sang giai đoạn ấm cúng như ngày nay?”, Thompson nói.