Khoảnh khắc y tá đặt bé con lên ngực của người mẹ đang hôn mê sâu suốt 23 ngày liền và thực hiện da tiếp da, phép nhiệm màu đã xảy ra.
Người mẹ trẻ rơi vào nguy kịch sau ca mổ bắt con
Amanda da Silva, người mẹ 28 tuổi ở Fortaleza, Đông Bắc Brazil bị động kinh mãn tính. Cô phải dùng nhiều loại thuốc mạnh kể từ năm lên 7. Khi phát hiện mình mang bầu lần 3 - vốn không nằm trong kế hoạch sinh nở của cô, Amanda đã ngưng dùng một trong các loại thuốc do nguy cơ dị thật thai nhi. Kết quả là cô chỉ còn dùng một loại thuốc duy nhất và bị nhiều lần co giật hơn so với hai lần mang thai trước.
Vào tháng 2 năm ngoái, Amanda lại lên cơn co giật khi cô mang thai tuần thứ 37. Nguyên nhân được cô khẳng định là trận cãi vã kịch liệt với chồng. Tình trạng co rút nguy hiểm đối với hai mẹ con bởi lượng oxy tới não và tử cung Amanda giảm mạnh.
Lo ngại cơn co giật có thể cướp đi tính mạng của cả mẹ và em bé vẫn nằm trong bụng, các bác sĩ tại Bệnh viện sản Assis Chateubriand đã cho Amanda dùng thuốc an thần, đồng thời tiến hành mổ đẻ để đưa bé Victor ra ngoài. Biến chứng bất ngờ xảy ra khiến đội ngũ bác sĩ buộc phải dùng thuốc để đưa Amanda vào trạng thái hôn mê nhân tạo (còn được gọi là hôn mê gây mê về mặt y tế) để giúp cô ổn định. Trong khi đó, bé trai nặng 2,1kg chào đời với hệ miễn dịch yếu kèm theo các vấn đề về hô hấp do các loại thuốc Amanda phải dùng để điều trị cơn động kinh. Victor được đưa ngay vào khoa chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh và ở lại đó trong 6 ngày trước khi chuyển sang phòng chăm sóc bán đặc biệt.
Người mẹ trẻ sau đó đã nỗ lực mở mắt nhưng không thể phản ứng hay đáp lại trước bất cứ kích thích nào. Bác sĩ sản khoa Carlos Alencar cho biết: "Chỉ hơn 1 tuần sau khi nhập viện, chúng tôi bắt đầu cho dừng loại thuốc giúp cô ấy ngủ. Nhưng Amanda lại không hề có phản ứng như chúng tôi mong đợi. Mặc dù tất cả các xét nghiệm đều xác nhận rằng cô ấy có phản ứng thần kinh tốt nhưng Amanda vẫn không cử động. Chúng tôi bèn thử kích thích cảm giác đau. Không có phản hồi. Xét nghiệm cho thấy hoạt động của não bộ mà phân khu hoạt động chẳng hề phản ứng trước thứ gì cụ thể, thậm chí cả giọng nói của người thân. Amanda hoàn toàn không cử động cả tay, chân hay bất cứ bộ phận nào".
Các nhân viên y tế xem ra đã cạn kiệt ý tưởng và đứng trước khả năng phải chuyển Amanda sang một cơ sở y tế khác. Đúng lúc đó, y tá Fabíola Sá đề xuất đưa bé Victor đặt lên ngực Amanda.
Phép nhiệm màu khi mẹ được da tiếp da với con
Do Amanda nằm bất động nên y tá Fabíola Sá lấy tay người mẹ choàng xung quanh người bé Victor. Cậu bé nằm ngay trên ngực mẹ. Trước sự kinh ngạc của mọi người, ngay khi da tiếp da với con trai, nhịp tim Amanda tăng nhanh và nước mắt chảy dài trên khuôn mặt cô. Amanda bắt đầu khóc và tiết sữa.
"Ngay khi Amanda cảm nhận được làn da của con trai trên ngực mình, nước mắt trào xuống 2 má cô. Đó là giọt nước mắt của tình yêu", y tá Sá kể lại. "Và còn hơn thế, đó là giọt nước mắt muốn nói: Tôi vẫn ở đây, tôi còn sống, tôi muốn sống".
Do các loại thuốc mà Amanda vẫn phải dùng, bác sĩ chưa cho phép cô cho con bú. Nhưng tình trạng của người mẹ dần tiến triển. 20 ngày sau lần đầu tiên được bế con trên tay, hai mẹ con đã được phép xuất viện. "Chúng tôi không có lời giải thích khoa học nào về chuyện đã xảy ra. Nhưng rõ ràng là chúng ta không bao giờ được phép đánh giá thấp tầm quan trọng của việc da tiếp da giữa người mẹ và đứa trẻ", y tá Sá bày tỏ.
Không nhớ chút gì về lần sinh nở này, Amanda da Silva tâm sự: "Điều đầu tiên tôi nhớ là mình được ôm Victor trong tay, ngắm nhìn đầu con bé xíu và ngửi mùi thơm đáng yêu từ người con. Đó là một tình huống thật đáng kinh ngạc nhưng cũng đồng thời khiến tôi hoang mang, bối rối. Tôi hỏi bố tôi xem liệu đó có phải con tôi không. Tôi đặt tay lên mình và nhận ra tôi không còn bụng bầu nữa".
Y tá Sá chia sẻ thêm về khoảnh khắc diệu kỳ: "Cô ấy ngay lập tức có phản ứng khi con trai nằm lên ngực. Sau 23 ngày hôn mê, phản ứng của cô ấy đúng là không thể lý giải. Chúng tôi chưa bao giờ trông chờ sự thay đổi nhanh đến vậy. Tất cả mọi người trong ê-kíp đều rơi nước mắt vì cảm giác nhẹ nhõm và hạnh phúc".