Lo ngại trước sự xuất hiện của biến thể "siêu đột biến" Omicron, nhiều người đã đổ xô đến sân bay quốc tế ở Johannesburg, Nam Phi hôm 26/11 để chờ "tháo chạy" khỏi nước này.

Phương Chang (TH) 08:03 28/11/2021

Trang iNews (Anh) đưa tin, giá vé máy bay từ >Nam Phi đến Vương Quốc Anh đã tăng gần gấp 3 lần, từ 416 bảng Anh lên 1.296 bảng Anh, chỉ trong vòng 24 giờ qua.

Warren Coskey, một cư dân Ireland đang thăm gia đình ở Johannesburg và đang cố gắng tìm cách trở về Ireland cho biết: "Tôi đến đây (Nam Phi) để dự đám cưới của anh trai. Tôi phải rời đi gấp. Một số người bạn của tôi đã ở trên chuyến bay trở về Anh khi chính phủ ban bố lệnh hạn chế, và họ hiện đang mắc kẹt ở Frankfurt. Đến cả nhân viên sân bay cũng không biết chuyện gì đang xảy ra."

Vương Quốc Anh là một trong các quốc gia đã nhanh chóng ban bố lệnh hạn chế nhập cảnh từ Nam Phi và các quốc gia lân cận kể từ chiều 26/11, nhằm ngăn chặn sự lây lan của >biến thể mới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt vào danh sách "biến thể đáng lo ngại".

 

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết việc liệt 6 quốc gia châu Phi vào "danh sách đỏ" - tức danh sách hạn chế di chuyển nhằm mục đích "cảnh giác và bảo vệ biên giới tốt nhất có thể". Kể từ 4h sáng ngày 28/11, toàn bộ hành khách tới Anh từ châu Phi sẽ phải cách ly bắt buộc.

Coskey nói rằng anh rất căng thẳng về chuyện cách ly và chi phí cách ly: "Hiện tại có rất nhiều điều không chắc chắn và rất nhiều lo ngại".

Biến thể Omicron được đánh giá có khả năng lây nhiễm nhanh và mạnh, khiến số ca nhiễm ở Nam Phi tăng vọt, dấy lên nhiều lo ngại trên toàn thế giới.

Trong cuộc họp báo ngày 25/11, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho hay: "Ban đầu chúng tôi nghĩ rằng đó chỉ là một ổ dịch bình thường, nhưng kể từ ngày 24/11, các nhà khoa học của chúng tôi cho biết họ đang theo dõi một biến thể mới".

Hiện chưa rõ tỷ lệ tiêm chủng thấp của Nam Phi (24%) sẽ ảnh hưởng ra sao đến khả năng lây lan của biến thể mới. Rõ ràng, con số 24% là rất thấp so với mục tiêu của các quốc gia này, và các nhân viên y tế địa phương nói rằng nguyên nhân là do người dân do dự và thờ ơ đối với vaccine.

Du khách xếp hàng dài ở sân bay Quốc tế O.R. Tambo ở Johannesburg, Nam Phi chờ "tháo chạy". Ảnh: Reuters

"Siêu biến thể" Omicron

Sau cuộc họp khẩn ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới đã quyết định xếp biến thể B.1.1.529 được phát hiện lần đầu ở Nam Phi vào danh sách "biến thể đáng lo ngại", và đặt tên chính thức cho biến thể này là Omicron, chữ cái thứ 15 trong bảng chữ cái Hy Lạp.

Các dữ liệu từ Nam Phi cho thấy rằng số ca mắc biến thể Omicron (B.1.1.529) có vẻ tăng theo cấp số nhân. Điều này đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới hết sức lo ngại.

 

Tại châu Âu, nơi đang chứng kiến dịch COVID-19 bùng phát mạnh trở lại, biến thể Omicron đã được phát hiện tại Bỉ, Anh, một số quốc gia khác như Đức, Hà Lan, Cộng hòa Séc báo cáo một số ca nghi nhiễm biến thể mới.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã hạn chế người nhập cảnh từ Nam Phi và các quốc gia lân cận nhằm ngăn siêu biến thể Omicron lây lan.

Tuy nhiên, trước những lo lắng của giới khoa học, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, bà Angelique Coetzee hôm 27/11 đã lên tiếng trấn an rằng biến thể Omicron chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ như đau cơ, mệt mỏi trong 1-2 ngày và không có dấu hiệu gì nổi bật, nhiều người bệnh có thể tự điều trị tại nhà.

Bà Coetzee cũng đã lên án quyết định của một số nước cấm các chuyến bay từ Nam Phi là quá vội vã trước những "thông tin cường điệu hóa" về biến thể Omicron "trong khi chúng tôi vẫn đang nghiên cứu./.

Theo Bách Tùng/Trí thức Trẻ