Theo Nikkei Asia, vào ngày 30/12, thành viên trong ban lãnh đạo Bệnh viện Quốc gia Hakodate - Nozomu Iwashiro cho biết: Sau một khoảng thời gian phân tích, việc >tiêm mũi tăng cường bằng vaccine Pfizer giúp tăng lượng kháng thể chống nCoV lên 45 lần so với mức trước khi tiêm. Ông chia sẻ thêm: "Chúng tôi có thể xác nhận rằng liều thứ ba làm tăng mức độ kháng thể. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích mọi người nhanh chóng đi tiêm mũi vaccine này".
Cụ thể, bệnh viện đã đo lượng kháng thể trong máu của 300 nhân viên y tế được tiêm nhắc lại vào tháng 12, sau 9 tháng tiêm mũi thứ hai. Lượng kháng thể trung bình sau hai tuần được tiêm tăng cường là 23.544 u/ml, so với con số 515 trước đó.
Tiếp đó, các kháng thể chống Covid-19 sẽ giảm dần theo thời gian sau khi tiêm chủng. Mức trung bình vào tháng 8, tương đương 5 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai, ở mức 721 u/ml.
Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng khảo sát nhóm người nói trên về 7 tác dụng phụ do tiêm nhắc lại, chẳng hạn đau nhức tại vết tiêm. Chỉ khoảng 6-25% số người được hỏi cho biết các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn so với thời điểm sau khi tiêm liều thứ hai.
Vào ngày 20/12, New York Times đưa tin, Moderna công bố việc tiêm nhắc lại bằng vaccine của hãng giúp lượng kháng thể có khả năng ngăn chặn biến chủng Omicron tăng đáng kể. Kết quả thử nghiệm của Moderna cho thấy liều tăng cường hiện được cấp phép với liều lượng 50 microgam - tương đương 1/2 liều dành cho tiêm chủng tiêu chuẩn - làm tăng mức độ kháng thể lên khoảng 37 lần.