Mới đây ở miền Nam nước Đức, các nhà khảo cổ đã khai quật được xương của 1.000 nạn nhân bệnh dịch hạch từ 8 hố, tạo thành ngôi mộ tập thể lớn nhất từng được khai quật ở châu Âu.
Theo thông tin từ báo Tiền Phong, các cuộc khai quật được thực hiện trước công trình xây dựng ở thành phố Nuremberg, CHLB Đức. Nơi này đã tiết lộ 8 hố, mỗi hố chứa hàng trăm bộ xương của người lớn, trẻ em và trẻ sơ sinh có niên đại từ cuối thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 17.
Ở hai trong số ba hố họ đã khai quật xong, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy những mảnh gốm và đồng bạc.
Công ty khai quật khảo cổ học In Terra Veritas tuyên bố việc xác định niên đại bằng carbon phóng xạ cho biết đồ gốm trùng hợp với đợt bùng phát bệnh dịch hạch xảy ra từ năm 1622 đến năm 1634. Còn những đồng xu có niên đại vào khoảng năm 1619.
Melanie Langbein - bộ phận bảo tồn di sản của Nuremberg, nhận định: “Một phát hiện như thế chưa từng xảy ra trước đây và không ai nghĩ điều này có thể xảy ra. Địa điểm này có tầm quan trọng to lớn đối với thành phố Nuremberg".
Tuyên bố cho thấy Nuremberg đã hứng chịu một loạt đợt bùng phát bệnh dịch hạch từ năm 1533 đến năm 1634 và đã cướp đi sinh mạng của khoảng 30.000 người. Vào lúc các thi thể chất chồng lên nhau, chính quyền ra lệnh chôn họ trong những ngôi mộ tập thể bên ngoài khuôn viên nhà thờ thành phố.
Hiện nay, các nhà khảo cổ đã thống kê và di dời tới 1.000 thi thể khỏi mặt đất. Tuy nhiên họ cũng dự đoán con số này sẽ vượt quá 1.500 trong những ngày sắp tới khi các cuộc khai quật tiếp tục. Theo dự đoán, địa điểm ở Nuremberg có thể trở thành nơi chôn cất tập thể được khai quật một cách khoa học lớn nhất ở châu Âu.
Dẫn tin từ báo Công an TP HCM, Julian Decker, người sở hữu công ty In Terra Veritas đang thực hiện cuộc khai quật, nói với CNN rằng ông rất ngạc nhiên trước phát hiện này. Ông cho biết: “Không có dấu hiệu nào cho thấy có những ngôi mộ trên cánh đồng này”, đồng thời cho biết thêm rằng khi những hài cốt đầu tiên được phát hiện, ông nghĩ chúng có thể là từ các cuộc ném bom trong Thế chiến thứ hai.