Trong lịch sử Trung Hoa, Hoàng hậu có địa vị và quyền lực tối cao, không một phi tần nào dám đối đầu.
Qua các bộ phim truyền hình về cuộc sống >hậu cung Trung Hoa, nhiều người tin rằng Hoàng hậu không có nhiều quyền lực và dễ dàng bị các phi tần khác lật đổ. Tuy nhiên, trong thực tế, dù ở triều đại nào, Hoàng hậu đều có một sức mạnh rất lớn.
Mặc dù có hàng nghìn phi tần cung nữ nhưng đối với Hoàng đế chỉ có một người vợ chính thức. Đó chính là Hoàng hậu, người được cưới hỏi đàng hoàng, trải qua rất nhiều nghi thức và được tất cả triều thần công nhận, được lão bá tánh biết đến. Chỉ xét như thế thì các phi tần không thể so sánh được.
Trong lịch sử Trung Hoa, Hoàng hậu không chỉ phụ trách các vấn đề ở hậu cung mà còn có thể ảnh hưởng đến tình hình chính trị và các chính sách lớn nhỏ của đất nước. Vào ngày xưa, Hoàng đế đứng đầu phái mạnh trong thiên hạ, còn Hoàng hậu đứng đầu phái yếu. Họ là hình mẫu cho tất cả đàn ông và phụ nữ cả nước. Hoàng hậu giúp Hoàng đế quản lý các sự vụ trong nội bộ hậu cung.
Trong triều đại nhà Thanh, Hoàng hậu chính là mẫu nghi thiên hạ, đóng vai trò quan trọng trong các nghi lễ. Do đó, trong nhiều dịp trọng đại, Hoàng hậu buộc phải xuất hiện bên cạnh Hoàng đế.
Được tham dự điển lễ cúng tế là một sự vinh dự của Hoàng hậu mà không có phi tử nào được thay thế. Trong hậu cung nhà Thanh, chỉ có mỗi Hoàng hậu mới có đặc quyền ngủ qua đêm với Hoàng đế. Theo quy định, từ 30 Tết đến mùng 2 tháng Giêng, Hoàng hậu có thể ngủ cùng giường với Hoàng đế và đặc quyền này không một vị phi tần nào có thể cướp đi được.
Và chính vì thế, xác suất Hoàng hậu mang thai rất cao, đây là một lợi thế rất lớn mà vị phi tần nào cũng mong muốn.
Về phục sức, Hoàng hậu có thể mặc quần áo và sử dụng trang sức có màu vàng sáng như Hoàng đế. Những đãi ngộ cũng cao hơn các phi tần trong hậu cung.
Quyền lực của Hoàng hậu vốn được thể hiện ở việc phụ trách các phần thưởng phạt ở hậu cung. Lời nói của Hoàng hậu ở hậu cung giống như mệnh lệnh của Hoàng đế. Một khi các phi tần hậu cung phạm lỗi, Hoàng hậu sẽ dựa vào quy định của tổ tiên để lại mà thẳng tay trừng phạt nữ nhân đó.
Mọi chi tiêu của từng phi tần đều được Hoàng hậu nắm rõ. Thậm chí đến chuyện thăng chức, giáng chức của một người cũng nằm trong tầm kiểm soát của Hoàng hậu.
Trong lịch sử Trung Hoa có một câu chuyện thế này: Có một vị phi tần được Hoàng đế cực kỳ sủng ái, và cũng chính vì lưu luyến vị phi tần đó mà Hoàng đế đã bỏ lỡ buổi thượng triều. Sau khi Hoàng hậu biết chuyện đã ngay lập tức cho người xử tử phi tần kia. Lúc đấy, Hoàng đế dù đau lòng cũng không có quyền can thiệp.
Chính vì vậy, không phi tần nào dám đối đầu với Hoàng hậu. Thậm chí, ngay cả trên tiền triều, không một triều thần nào dám đắc tội với Hoàng hậu. Bởi Hoàng hậu cũng có thể ảnh hưởng đến những thay đổi chính trị, thậm chí là bổ nhiệm các chức quan trong triều.
Trong lịch sử cũng đã có nhiều tình huống Hoàng hậu thay mặt quản lý triều chính. Chẳng hạn như Võ Tắc Thiên, khi còn là Hoàng hậu đã giúp Hoàng đế phê duyệt tấu chương.
Ngoài ra, Hoàng hậu còn có thể tự thăng chức cho bản thân mình. Khi Hoàng đế qua đời, các phi tần sẽ không còn được sống an yên trong hậu cung nữa: Sẽ bị bồi táng (chôn cùng) Hoàng đế, tống vào lãnh cung hoặc đưa khỏi hoàng cung. Tuy nhiên, với tư cách là Hoàng hậu, họ sẽ có được may mắn hơn những nữ nhân hậu cung khác, có thể thăng chức cho bản thân và tiếp tục cuộc sống vinh hoa phú quý trong hoàng cung.
Ví dụ như trong triều đại nhà Thanh, sau khi Hoàng đế Hàm Phong mất, một vị hoàng hậu tự thăng cấp cho mình và một vị phi tần khác thành Thái hậu, đó là Từ An Thái hậu và Từ Hi Thái hậu. Trong các nghi thức triều đình, Từ An Thái hậu cao hơn Từ Hi Thái hậu 1 bậc.
Từ đó có thể thấy rằng, địa vị của Hoàng hậu hoàn toàn cách xa với phi tần hậu cung, quyền lực chỉ đứng sau Hoàng đế, không phi tần nào dám khiêu khích và tất cả hậu cung luôn phải dè chừng.