Uyển Quý phi Trần thị không con không cái, không màng đến tranh giành địa vị lại là người sống lâu nhất hậu cung.
Vào năm Gia Khánh thứ 4 (tức năm 1799), Hoàng đế Càn Long băng hà tại Dưỡng tâm điện, Tử Cấm Thành ở tuổi 89. Đây là vị Hoàng đế có thời gian tại vị lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc, có 17 con trai và 10 con gái và hậu cung muôn vàn cung tần phi tử. Những phi tần đấy có người được sủng ái và nhận được vinh sủng không kể siết; cũng có kẻ bị thất sủng không thể gặp mặt Hoàng đế.
Có nhiều người được Hoàng đế yêu thương, có được địa vị rất cao ở hậu cung nhưng không sống trên đời quá lâu. Tuy nhiên, trong số các phi tần của Hoàng đế Càn Long có một nữ nhân xinh đẹp, dù không được sủng ái nhưng lại là người sống lâu nhất. Đó là Uyển Quý phi Trần thị.
Trong quyển "Thanh Sử Cảo - Liệt Truyền Nhất - Hậu Phi" ghi rõ: Uyển Quý Thái phi Trần Thị. Trong thời Càn Long, từ Quý nhân thăng đến Uyển tần. Trong thời Gia Khánh, được tôn thành Uyển Quý Thái phi. Hoăng (qua đời) năm 92 tuổi.
Trần thị là con gái của Trần Diên Chương, người này không được ghi chép nhiều trong các tài liệu lịch sử. Trần thị vốn lớn lên ở nước ngoài, một môi trường sống khá tự do. Nhưng về sau bởi vì phụ thân của Trần thị muốn củng cố địa vị trong triều đã dâng tặng con gái cho Bảo Thân vương Hoằng Lịch (tức Hoàng đế Càn Long sau này). Bà trở thành thiếp của Bảo Thân vương, phân vị Cách cách.
Trần thị nhập cung khi chỉ 13 - 14 tuổi, từ đó chôn cả tuổi thanh xuân ở nơi cung cấm. Vì xuất thân của Trần thị không cao quý hiển hách nên nàng chỉ có phân vị bé nhỏ bên cạnh Bảo Thân vương. Nhưng vì dung mạo quá kiều diễm, Trần thị đã may mắn được sủng ái một lần.
Khi Bảo Thân vương tức vị, trở thành Hoàng đế Càn Long, Trần thị sơ phong Thường tại. Năm Càn Long thứ 2, khi chính thức đại phong hậu phi, Trần thị tăng làm Quý nhân, sống tại Diên Hi cung cùng với Hải thị. Hai nàng là hai phi tử có thân phận thấp nhất ở thời điểm đấy.
Trần thị là một nữ nhân hiền lành, ít nói nhưng trong lòng lúc nào cũng mong muốn được Hoàng đế chú ý đến mình. Tuy nhiên, Trần thị chưa bao giờ được Hoàng đế sủng hạnh bởi vì xung quanh vẫn còn có Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu Phú Sát thị, Tuệ Hiền Hoàng quý phi Cao Giai thị, Thục Gia Hoàng quý phi Kim Giai thị,... Chính vì thế nàng đã trải qua phần đời còn lại đơn độc chốn hậu cung, dù vậy nhưng cũng rất an yên.
Mãi đến khi Hoàng đế Càn Long thực hiện một đợt đại tấn phong hậu cung, Trần thị mới trở thành Uyển tần. Dù danh phận cao hơn nhưng nàng vẫn không được Hoàng đế sủng hạnh thêm lần nào nữa.
Lúc này, Trần thị cũng đã từ bỏ ý muốn chen chân vào cuộc chiến hậu cung, nàng thích một cuộc sống yên bình và tự do tự tại. Nàng không có con trai lẫn con gái nhưng lại có thể hưởng thụ thời gian của mình trong thâm cung lạnh lẽo. Cũng chính cách sống an phận như thế, Trần thị đã có một cuộc sống nhẹ nhàng dù không có nhiều vinh sủng.
Năm Càn Long thứ 59 (tức năm 1974), Hoàng đế trước khi nhường ngôi cho con trai mới nhớ đến những phi tần thất sủng và nâng cao đãi ngộ cho họ. Khi đấy, Trần thị đã ở phân vị Tần trong 46 năm đã được phong thành Uyển phi.
Tháng Giêng năm Gia Khánh thứ 6 (tức năm 1801), Hoàng đế Gia Khánh tấn thăng bà làm Quý phi và thường tôn gọi là Uyển Quý Thái phi.
Năm Gia Khánh thứ 12 (tức năm 1807), Uyển Quý Thái phi Trần thị qua đời. Từ khi được gả cho Hoàng đế Càn Long năm 13 tuổi đến khi Hoàng đế qua đời, nàng đã sống cùng Hoàng đế 70 năm, lâu hơn các phi tần khác.
Hậu cung của Hoàng đế là một chiến trường vô hình nhưng cực kỳ khốc liệt. Trần thị lại từ bỏ tham vọng để sống bình đạm suốt 78 năm về sau. Đây chính là một nữ nhân vô cùng đặc biệt, khiến người đời thương xót.