Khi thử nghiệm chống lại các kháng thể SARS-CoV-2 do vaccine Pfizer và Astrazeneca tạo ra, biến thể A.30 có sức đề kháng cao hơn. Điều này có nghĩa là nó có thể lẩn tránh vaccine tốt hơn và làm giảm hiệu quả của vaccine.
Theo nghiên cứu của nhóm tác giả người Đức được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature Molecular and Cellular Immunology, biến thể A.30 của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở Tanzania vào tháng 2/2021. Sau đó, nó cũng được phát hiện tại Angola, Thụy Điển, Anh.
Một nghiên cứu của Giáo sư Brian Hjelle tại Đại học New Mexico (Mỹ) cho biết, biến thể A.30 là loại biến thể cần được theo dõi vì nó đi kèm một loạt đột biến và đang tiến gần đến khả năng vô hiệu hóa miễn dịch trong cơ thể người.
Cụ thể, A.30 là một biến thể nhánh từ dòng A của virus - dòng được cho là gốc rễ của đại dịch và là một trong số những dòng đầu tiên được xác định. Tuy nhiên, nó khác biệt rõ rệt so với các biến thể khác bởi nhiều đột biến trong protein gai - bộ phận rất quan trọng trong quá trình gắn và xâm nhập của virus vào trong tế bào người.
Đáng chú ý, một số đột biến này nằm ở hai vùng riêng biệt mà khi vắc xin được tiêm vào trong cơ thể sẽ tạo ra kháng thể trung hòa với virus. Điều này cho thấy vắc xin có thể không hoạt động hiệu quả trong việc chống lại A.30 so với các biến thể khác. Trong đó, một trong những đột biến quan trọng của A.30 là E484K với khả năng chống lại các kháng thể được tạo ra từ tiêm chủng hoặc miễn dịch tự nhiên.
Khi thử nghiệm chống lại các kháng thể do vaccine Pfizer và Astrazeneca tạo ra, biến thể A.30 có sức đề kháng cao hơn. Điều này có nghĩa là nó có thể lẩn tránh vaccine tốt hơn và làm giảm hiệu quả của vaccine.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, biến thể A.30 vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là biến thể đáng lo ngại hay cần quan tâm, vì số ca bệnh liên quan tới biến thể này khá thấp.