Sau khi xảy ra vụ việc, gia đình mong muốn nhận được giải thích nhưng nhà trường cho rằng mọi việc không liên quan tới họ.
Khi đến trường, ngoài các mối quan hệ với gia đình, người thân, mỗi người bắt đầu thiết lập thêm các mối quan hệ khác với giáo viên, bạn bè. Những người bạn có thể sẽ khiến mỗi người thêm niềm vui khi đến lớp, nhưng cũng không thể tránh khỏi những người bất đồng quan điểm, không hợp tính cách và từ đó xảy ra những mâu thuẫn lớn nhỏ.
Mới đây, một câu chuyện đáng tiếc đã xảy ra giữa những sinh viên trường Đại học Kinh doanh Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, >Trung Quốc. Theo đó, một nữ sinh tên Xiaomei đã có một số quan điểm trái chiều với bạn học đến mức xảy ra tranh cãi ngay trong lớp. Sợ rằng câu chuyện căng thẳng giữa cô cùng các bạn sẽ làm ảnh hưởng đến trật tự tiết học nên giảng viên đã yêu cầu Xiaomei cùng một bạn học khác khởi xướng mâu thuẫn ra khỏi lớp.
Sau khi bị mời ra khỏi lớp, cô trở về ký túc xá nhưng chỉ vài tiếng sau người ta phát hiện cô đã chết bằng cách nhảy lầu. Cái chết gây ra sự bàng hoàng lớn đối với sinh viên cũng như giảng viên nhà trường. Khi biết tin, người thân Xiaomei tức tốc đến trường và làm việc với đơn vị phụ trách khoa Truyền thông, nơi cô theo học để yêu cầu một lời giải thích. Ngôi trường tuyên bố rằng nguyên nhân dẫn đến vụ việc đáng tiếc là do cô bé mắc chứng trầm cảm và vụ tự tử không liên quan đến nhà trường.
Tất nhiên, cách xử lý này của ĐH Kinh doanh Trịnh Châu không hề nhận được sự chấp nhận từ phía gia đình, họ cho rằng nhà trường đã quá thờ ơ và tỏ thái độ vô trách nhiệm trước cái chết đau lòng của con mình. Gia đình nghĩ rằng nếu buổi học hôm ấy, giảng viên không yêu cầu Xiaomei rời khỏi lớp thì có lẽ mọi chuyện đã khác.
Sau đó, gia đình cô liên tiếp nhiều lần làm việc với nhà trường để mong giải quyết những khúc mắc nhưng vẫn không đạt được kết quả như mong muốn. Sáng 2/11, bố mẹ của Xiaomei một lần nữa đến trường nhưng lần này trường đã chủ động gọi cơ quan chức năng để bắt giữ người bố và người em trai tội nghiệp vì hành vi gây rối trật tự công cộng.
Xiaomei sinh ra trong một gia đình nông thôn có bố là công nhân xây dựng. Khi vụ tai nạn xảy ra, bố cô đang làm việc tại một công trường xây dựng ở Thâm Quyến. Biết được tin buồn về cái chết của Xiaomei, ông vội vã tìm đến trường sau khi trở về Thiểm Tây bằng đường hàng không. Cái chết của Xiaomei ảnh hưởng rất lớn đến gia đình ông vì họ đã bỏ công nuôi dạy để con mình khôn lớn và đi học đại học.
Dù biết Xiaomei đã không giữ được bình tĩnh trong lớp và gây ảnh hưởng tới tiết học, điều này giảng viên có thể xử lý bằng việc mời cô bé ra khỏi lớp nếu sự việc nghiêm trọng. Tuy vậy, với nhiều người, họ dễ gặp tổn thương bởi lời nói dù người nói ra không nghĩ rằng những lời ấy sẽ ảnh hưởng lớn như thế nào tới người nghe. Đặc biệt, với những người đang gặp vấn đề về tâm lý, người đối diện phải thận trọng trước những gì mình nói để tránh gây tổn thương tới họ.