Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết báo cáo sơ bộ từ Nam Phi cho thấy những người đã khỏi COVID-19 đã bị tái nhiễm một loại biến chủng mới dễ lây lan hơn.
Trong một cuộc họp báo ngày 12/2, các quan chức Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) đã công bố thông tin khiến nhiều người lo lắng. Đó là những người đã chữa khỏi COVID-19 vẫn có thể mắc biến chủng mới nếu không thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, phản ứng miễn dịch của chủng virus cũ không thể bảo vệ cơ thể người khỏi chủng virus mới. Chính vì vậy, nhiều người đã khỏi bệnh nhưng vài tuần sau lại mắc chủng khác của SARS-CoV-2.
Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học tại WHO cho biết, dù vaccine hiện nay không thể hoàn toàn giúp bệnh nhân COVID-19 tránh tái mắc bệnh nhưng có thể giúp họ không mắc bệnh nặng. Ngoài ra, tiêm chủng vaccine COVID-19 cũng có thể làm các biến chủng mới giảm mức độ lây lan. Chính vì vậy, việc tiêm vaccine vẫn rất cần thiết.
Trước đó vào ngày 11/2, Giáo sư John Edmunds, thành viên Nhóm Cố vấn Khoa học Khẩn cấp (SAGE) thuộc Chính phủ Anh thông báo về một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được gọi là Bristol. Virus chủng mới này có thể khiến những người đã chữa khỏi COVID-19 vẫn nhiễm bệnh trở lại.
Hiện các hãng dược phẩm lớn trên thế giới vẫn đang nỗ lực hết sức để tìm cách cải tiến hiệu quả của vaccine. Trong số hơn 4.000 biến thể của virus SARS-CoV-2, có các biến thể ở Anh, Nam Phi và Brazil bị cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn.
Trong khi đó, tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đang có xu hướng giảm, với số ca mắc mới ghi nhận trong 1 tháng qua đã giảm gần một nửa và tiếp tục đà giảm trong tuần này.