Ở Kerala, hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã chịu áp lực lớn do tình trạng COVID-19 ở bang này. Cùng lúc đó, nơi đây được báo cáo là có trường hợp đầu tiên tử vong do virus Nipah.

Minh Thư (dịch) 15:41 09/09/2021
Theo indiatimes, một cậu bé 12 tuổi đã tử vong ở Kozhikode vào ngày 5/9. Cái chết đột ngột này xảy ra chỉ sau vài giờ cậu bé có kết quả xét nghiệm dương tính với >virus Nipah. Đây là trường hợp đầu tiên được biết đến và tử vong do loại virus này ở Kerala trong năm nay. Đồng thời, đây cũng là lần thứ ba sự bùng phát virus Nipah được cảnh báo ở Kerala, hai lần trước đó là vào năm 2018 và 2019.
 
Ngay sau khi cậu bé có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Nipah, bộ y tế đã vào cuộc và xác định có khoảng 251 người đã tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. Từ danh sách này, bộ y tế xác định có 54 người có nguy cơ lây nhiễm cao. Họ đã lấy 8 mẫu gửi đi xét nghiệm tại phòng thí nghiệm NIV Pune và hiện đều cho kết quả âm tính. Bên cạnh đó, những người không có triệu chứng đã được cách ly ở ba quận là Kozhikode, Kannur và Malappuram.
 

Ngay sau khi phát hiện ca dương tính với Nipah, bộ y tế Ấn Độ đã vào cuộc - Ảnh: BCCL
 
Virus Nipah là gì?
Virus Nipah được phát hiện lần đầu tiên ở Malaysia vào năm 1998. Tại Ấn Độ, loại bệnh này được cảnh báo lần đầu tiên vào năm 2001. Sau sáu năm sau đó, virus bất ngờ bùng phát cướp đi sinh mạng của 50 người.
 
Theo thông tin cung cấp từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus Nipah (NiV) là một loại bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người. Người bệnh bị nhiễm virus khi tiếp xúc trực tiếp với động vật hoặc tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm virus. Dơi ăn quả (thuộc họ Pteropodidae) là loài mang loại virus này. Được biết, chúng thường xuất hiện nhiều ở Ấn Độ.
 
Dơi ăn quả chính là động vật mang loại virus Nipah - Ảnh: BCCL
 
Những triệu chứng khi mắc phải căn bệnh này?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, người nhiễm bệnh thường có các triệu chứng như sốt và đau đầu trong khoảng từ 4 ngày đến 2 tuần. Tiếp đó, bệnh nhân có thể bị ho, đau họng và gặp các vấn đề về hô hấp. Thậm chí, nếu bệnh tình diễn tiến nhanh có thể làm bệnh nhân bị phù não, gây buồn ngủ, lú lẫn, sau đó có thể hôn mê và tử vong.
 
Tuy nhiên, theo những báo cáo gần đây cho thấy, thời gian ủ bệnh cũng có thể kéo dài tới 45 ngày.
 
 
Nguy cơ tử vong khi nhiễm loại bệnh này?
 
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia sẻ rằng loại virus này có thể gây chết người cao, với tỷ lệ tử vong trung bình là khoảng 75%. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong của SARS-CoV-2 được cho là khoảng 2%. Tuy vậy, virus Nipah có tốc độ lây lan thấp hơn virus gây Covid-19. Khoảng 20% những người sống sót sau khi nhiễm virus Nipah có các triệu chứng thần kinh kéo dài như co giật và thay đổi tính cách.
 
 
Hiện tại, thế giới vẫn chưa có thuốc chữa hay vắc xin cho virus Nipah. Việc điều trị chỉ giới hạn ở việc chăm sóc bao gồm nghỉ ngơi, bổ sung nước và điều trị các triệu chứng khi chúng xảy ra.
 
Loại virus này cũng đứng đầu danh sách trong 10 loại bệnh cần được ưu tiên mà WHO đã xác định là có khả năng bùng phát vô cùng nghiêm trọng tiếp theo. 
Minh Thư (dịch) | Theo Phụ nữ sức khỏe