Trước khi kết hôn, họ là những người ở đáy xã hội. Và sau khi trở thành vợ của Yakuza, họ vẫn là tầng lớp tận cùng của đế chế ngầm.
Yakuza (ヤクザ) là một danh từ chỉ các tổ chức tội phạm truyền thống ở >Nhật Bản. Ngày nay, Yakuza đã trở thành một trong những tổ chức tội phạm nguy hiểm nhất thế giới. Yakuza có khoảng vài chục nghìn thành viên, chia thành nhiều băng nhóm khác nhau hoạt động khắp Nhật Bản.
Nhiều người nghĩ rằng làm vợ của một người trong giới xã hội đen là một chuyện rất đáng ngưỡng mộ, bởi họ sẽ được khoác lên bộ áo lông chồn, tay mang đầy trang sức quý báu, bước chân ra cửa sẽ có vệ sĩ và tài xế riêng đưa đón. Nếu có ai không nghe lời sẽ dùng nắm đấm để dạy dỗ.
Nhưng trên thực tế, cuộc sống của những người này hoàn toàn không ngọt ngào như thế, thậm chí còn kinh khủng hơn các bà nội trợ Nhật Bản bình thường.
Khoảnh khắc trở thành vợ của Mafia Nhật Bản
Một cuộc phỏng vấn mang tên "Những người vợ của Yakuza" lần đầu tiên đã khiến dư luận chú ý đến những phụ nữ sơ ý rơi vào thế giới xã hội đen ở Nhật Bản. Họ rốt cuộc đã sống như thế nào, đã làm những công việc gì? Một phụ nữ giấu tên (tạm gọi là A) đã từng là vợ của một tên xã hội đen Nhật Bản đã phơi bày tất cả.
Cô A hiện tại đã ly hôn, vào thời điểm chưa đủ 20 tuổi cô đã gặp chồng cũ, thủ lĩnh của một nhóm Yakuza ở địa phương. 30 năm trước, cô A xuất thân nghèo khó và muốn kiếm tiền một cách nhanh nhất có thể. Cuối cùng, cô chọn đến các hộp đêm ở Kabukicho (Tokyo) làm việc và được những người trong giới gọi là "công chúa".
Cuộc sống của các cô gái ở hộp đêm rất phức tạp, luôn xuất hiện các vấn đề an toàn khác nhau, hoặc là mâu thuẫn với những người khác ở hộp đêm hoặc là bị khách hàng thô lỗ quấy rối. Quản lý các hộp đêm luôn phải tìm đến các băng đảng xã hội đen để hỗ trợ khi gặp phải những tình huống trên.
Lúc đó, cô A đã nhờ vả sự giúp đỡ của một người khách trong giới Yakuza. Cô đã gặp gỡ và gần gũi với chồng như thế, họ kết hôn sau 1 - 2 năm hẹn hò. Cô không phải không biết thân phận trong thế giới ngầm của chồng nhưng cô không còn lựa chọn nào tốt hơn.
Trong mắt người bình thường, giới Yakuza là những thành phần bất hảo. Kết hôn với dân anh chị sẽ bị đánh giá là một hành vi đáng xấu hổ và thường bị gia đình phản đối kịch liệt.
Nhưng chồng của cô A là một ngoại lệ. Anh không có hình xăm trên lưng, cũng không chặt đứt ngón tay út. Anh hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tính tình cũng rất ôn hòa. Chính vì vậy, bố mẹ của cô A đã không nói gì cả.
Tuy nhiên, cô A chia sẻ, có rất nhiều phụ nữ kết hôn với người trong thế giới ngầm nhưng không hề biết thân phận thật sự của chồng. Do quan niệm của người Nhật Bản từ xưa đến nay, phụ nữ không nên hỏi quá nhiều về công việc của chồng. Và tất nhiên người chồng cũng không chủ động kể mọi thứ với vợ.
Không ít người phụ nữ Nhật Bản sau nhiều năm kết hôn mới biết rõ thân phận của chồng trong thế giới xã hội đen.
Thế giới ngầm đen tối của chồng
Trở thành vợ của Yakuza, người phụ nữ không có được sự cải thiện nào về địa vị xã hội. Nhà tội phạm học Rie Alkemade đã chỉ rõ: "Không giống các cô vợ trong giới Mafia phương Tây, những người vợ của Mafia Nhật Bản tách biệt với hoạt động của tổ chức và nằm ở thế bị động về cảm xúc lẫn kinh tế".
Đặc trưng nhất của những người trong giới Yakuza là luôn xăm kín toàn bộ cơ thể, từ đầu đến chân. Họ tin đây là biểu tượng của sự giàu có và cũng chứng minh tinh thần kiên cường không sợ đau đớn. Sau khi kết hôn, nếu chồng có hình xăm thì người vợ cũng phải xăm hình ảnh tương tự để thể hiện lòng trung thành và sự phục tùng với chồng.
Hầu hết các bà vợ không có sự lựa chọn nào khác, họ bị buộc trở thành nội trợ và phạm vi sống chỉ ở xung quanh nhà. Vì vòng tròn xã hội rất nhỏ nên những người vợ này sẽ hỗ trợ nhau để cùng vượt qua một ngày buồn tẻ.
Trước khi kết hôn, họ là những người ở đáy xã hội. Và sau khi trở thành vợ của các Yakuza, họ vẫn là tầng lớp tận cùng của đế chế tội phạm ngầm. Những phụ nữ kết hôn với các đầu sỏ băng đảng Yakuza thường đảm nhận vai trò "mẹ" trong cộng đồng đó. Sau vài năm kết hôn, chồng cô A đã trở thành thủ lĩnh của một nhóm gồm mười mấy đàn em. Địa vị của chồng càng cao, người vợ càng bận rộn.
Họ không chỉ chăm lo sinh hoạt hằng ngày của cả nhóm người mà còn có trách nhiệm phân bổ công việc, quản lý chi tiêu và phân chia tiền tiêu vặt cho đàn em của chồng. Ngoài ra, những người vợ còn phải đảm nhận công việc đối phó với cảnh sát. Một khi đàn em của chồng gặp vấn đề, người vợ là người phải liên lạc với phía cảnh sát.
Những bà nội trợ tuyệt vọng: Làm công việc không lương suốt 24 giờ/ngày, 365 ngày/năm
Từng có người hỏi cô A, làm cách nào cô có thể học cách làm tròn bổn phận của một người >vợ xã hội đen. Việc chăm sóc hàng chục người là không hề đơn giản. Cô A chỉ bất lực trả lời: "Vợ của Yakuza không có hướng dẫn nhập môn, không có hướng dẫn của người đi trước. Là công việc 24 giờ/ngày, 365 ngày/năm. Và làm nhiều hơn những gì người bình thường phải làm".
Họ chỉ có một lý do duy nhất để chăm chỉ, đó là vì muốn gặp mặt chồng nhiều hơn. Đồng thời, cố sức bảo vệ chén cơm của chồng cũng là bảo vệ sự tồn vong của chính bản thân mình.
Nếu đàn em của chồng bị bắt vì công việc chung của băng đảng thì gánh nặng đè lên cô A càng nhiều hơn. Giặt giũ đồ đạc của người đó cũng do cô A đảm nhận, đồ lót cũng đến tay cô giặt sạch, thực phẩm thăm nuôi cũng do cô phụ trách. Thậm chí, tìm luật sư cho người đàn em đó cũng do cô chọn lọc.
Nếu người chồng xã hội đen ngồi tù hoặc qua đời, người vợ phải tiếp quản công việc của thủ lĩnh.
Những người vợ đức hạnh đằng sau cửa kính chống đạn
Trước khi ly hôn, chồng cô A đã đặt trong nhà 4 khẩu súng lục để bảo vệ cô. Cô A cho biết, bản thân đã phải sống trong sợ hãi mỗi ngày suốt hơn 30 năm. Dù cô không tham gia các hoạt động phạm pháp nhưng vẫn luôn lo lắng cho sự an toàn của chồng và chính mình. Vợ của những Yakuza luôn có nguy cơ trở thành góa phụ bất kỳ lúc nào.
Theo nguyên tắc, nếu giết chết đầu sỏ của một nhóm thì đàn em của người chết sẽ bằng mọi cách loại bỏ thủ lĩnh của phe địch. Đặc biệt, những mâu thuẫn này không liên quan đến phụ nữ. Các Yakuza không được phép ra tay trong nhà của đối phương.
Nhưng người trong giới Yakuza hiện nay không quan tâm đến những nguyên tắc trong giang hồ đó. Vợ con của họ thường xuyên bị thương, thậm chí bị giết chết. Do đó, người phụ nữ tự nguyện ở nhà mỗi ngày và đảm bảo vũ trang khắp nhà.
Ngôi nhà của cô A ban đầu được trang bị cửa kính chống đạn dày 3cm. Ngoài ra, còn được thiết kế một tấm thép nặng hơn 100kg đặt bên ngoài cửa sổ phòng tắm. Người đứng bên ngoài không thể nhìn thấy bên trong.
Đằng sau những tấm thép dày, những người vợ của Yakuza có con vẫn phải đóng vai bà nội trợ đức hạnh bình thường. Khi tham gia các sự kiện ở trường hoặc họp phụ huynh, cô A sẽ chọn trang phục đơn giản nhất để không gây sự chú ý không cần thiết cho chồng và con.
Cô A chia sẻ, những người phụ nữ ăn mặc lộng lẫy và khoe khoang sự giàu có trên những chiếc xe sang trọng thường không sống lâu. Nhìn thì tuyệt vời nhưng kết quả chỉ là cái chết thê thảm.
Và hầu hết những người phụ nữ của Yakuza đều có lựa chọn như cô A. Họ nhận thức rõ, nếu chồng bị bắt thì cuộc sống của họ càng mệt mỏi hơn trăm nghìn lần.
Cô A là một trường hợp rất may mắn, bởi sau khi muốn rời bỏ khỏi thế giới đen tối đó, cô đã ly hôn thành công với chồng cũ và tránh xa giới Yakuza. Hiện tại cô đang là trợ lý cho một công ty thương mại. Ở tuổi 50, cô đã thực sự có cuộc sống riêng cho bản thân mình. Mỗi xu cô kiếm được đều thuộc về cô. Đây là một cuộc sống mà cô chưa bao giờ nghĩ đến trước đây.
Khi được hỏi cuộc sống Yakuza có thú vị hay không, cô thẳng thắn trả lời: "Không có gì đặc biệt cả", sau tất cả đó không phải một cuộc sống đáng khao khát.