Bác sĩ Quỳnh Phương ghi lại những ngày tháng mệt mỏi, khổ sở nhưng cũng tràn ngập niềm hạnh phúc khi cứu được bệnh nhân nhiễm virus corona. Mặc cho bản thân cũng nhiều nỗi ốm đau, nữ bác sĩ và đồng nghiệp vẫn bước ra tiền tuyến, quyết tâm chặn đứng dịch Covid-19 ở Vũ Hán.

Phương Duy 07:42 25/02/2020

Tra Quỳnh Phương, 45 tuổi, vốn làm việc tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhân Tế liên kết với Học viện Y thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải - một trong những trường y hàng đầu Trung Quốc. Cô cũng thuộc nhóm y bác sĩ đầu tiên đến chi viện cho >Vũ Hán. Tại đây, cô đã ghi lại nhật ký về những ngày ở tuyến đầu ngăn chặn dịch Covid-19.

Bác sĩ Tra Quỳnh Phương (Ảnh: Sina)

28/1 (ngày thứ tư của tôi ở Vũ Hán)

Công việc đang tiến triển, các thiết bị y tế cũng được cung cấp kịp thời cho Vũ Hán, giúp chúng tôi có thêm nhiều phương pháp chữa trị cho bệnh nhân. Thế nhưng chúng tôi vẫn phải chống chọi với áp lực quá lớn, vì 85% nhân sự trong nhóm đang phụ trách các ca bệnh nguy kịch.

Ngày 29/1

Tôi đã nhìn thấy ánh nắng lần đầu tiên kể từ khi đến Vũ Hán. Đó dường như là sự khích lệ để chiến đấu với dịch bệnh.

Hôm nay, chúng tôi nhận được 1.200 khẩu trang và 200 kính bảo hộ từ một cựu bệnh nhân ở Thượng Hải. Cô ấy biết rằng chúng tôi sẽ ra "tiền tuyến" chống virus, nên đã đặt mua các dụng cụ này từ nước ngoài. Chúng tôi vô cùng cảm động, các thiết bị đến thật kịp thời. Đồ dùng ở Vũ Hán đang cạn dần.

Tôi cũng nhận được các cuộc gọi từ Câu lạc bộ bóng đá Thân Hoa Thượng Hải, các cựu học sinh trường Giao thông Thượng Hải và rất nhiều doanh nhân trong thời gian gần đây; nói rằng họ muốn mua và gửi đồ bảo hộ cho chúng tôi.

Điều đó cho thấy tình cảm chân thành, không toan tính giữa lúc dịch bệnh hoành hành. Chúng tôi không cảm thấy cô đơn, vì cả xã hội đã đứng đằng sau chung tay tiếp sức.

Ngày mai, tôi sẽ trực đêm lần đầu tiên từ 8 giờ tối đến 8 giờ sáng hôm sau. Tôi cảm thấy khá lo lắng. Ở Thượng Hải, giám đốc bệnh viện không xếp tôi trực đêm khi biết tôi bị bệnh thận mạn tính. Nhưng chuyến này đến Vũ Hán còn bao gồm các bác sĩ có nhiều hoàn cảnh hay bệnh tật khác nhau, ví dụ như tiểu đường và tăng huyết áp. Tất cả chúng tôi cần phải mạnh mẽ hơn nữa.

Ngày 31/1

Một bệnh nhân 50 tuổi đã tụt huyết áp rất nhanh vào lúc 2h30 sáng. Thật may mắn, tình trạng của cô ấy đã ổn định sau khi chạy chữa.

Cuối cùng, tôi đã chợp mắt một chút trong văn phòng. Đây là lần đầu tiên tôi ngủ mà vẫn đeo khẩu trang, bởi không muốn lãng phí thời gian đeo vào một cái khác khi bệnh nhân gọi gấp.

Dịch bệnh bùng phát đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhanh chóng ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, nhưng chúng tôi không hề nao núng. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để chiến thắng virus và giảm xuống thiệt hại mà đất nước phải gánh chịu.

Bác sĩ Quỳnh Phương cùng đồng nghiệp viết báo cáo ở bệnh viện Kim Ngân Đàm (Vũ Hán). Ảnh: Ti Gong

Ngày 4/2

Bệnh nhân bị tụt huyết áp đêm hôm trước, nay đã mất sau khi tình hình chuyển xấu nhanh chóng. Chồng cô ấy bật khóc khi nghe điện thoại, khiến trái tim tôi như vỡ vụn. Cô ấy nhiễm virus corona từ một ca phẫu thuật chữa ung thư trực tràng.

Người chồng, bị cách ly ở bệnh viện địa phương do cũng lây nhiễm virus, đã không thể nói lời từ biệt với vợ. Con gái của họ cũng không thể - vì đang sống xa nhà mà Vũ Hán thì phong tỏa. Hơn 1.000 gia đình đã mất đi người thân trong dịch bệnh này.

Ngày 5/2

Tôi đã gặp một đồng nghiệp từ Thượng Hải, cũng đang tiếp sức cho một bệnh viện khác ở Vũ Hán. Anh ấy nói hôm qua phải làm từ sáng sớm đến gần nửa đêm. Anh ấy cũng nói, khi trả lời phỏng vấn báo chí, đã không cầm được nước mắt cho nỗi đau mà người Vũ Hán phải gánh chịu.

Hôm nay, cả hai chúng tôi đều trực đêm, 12 giờ đồng hồ với anh ấy và 14 giờ với tôi, không ăn, không uống. Chúng tôi chúc nhau may mắn.

Bên trong 1 căn phòng điều trị tích cực ở Vũ Hán (Ảnh: China Daily)

Ngày 11/2

Tin xấu. Hai bệnh nhân mà nhóm chúng tôi chăm sóc đã qua đời. Một người 89 tuổi với nhiều bệnh mạn tính nghiêm trọng. Người còn lại là nam giới ngoài 50 tuổi, cứ liên tục tháo mặt nạ thở và không chịu ăn uống.

Điều này khiến tôi cảm thấy thất vọng một lần nữa, mặc dù chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ cuộc chiến cứu sống bệnh nhân.

Chỉ có 4 bác sĩ nữ trong nhóm của chúng tôi (tổng cộng 20 người), nhưng tình cờ là 3 chị em sẽ túc trực đêm nay. Để khích lệ bản thân, chúng tôi chụp một tấm hình ngoài hành lang bệnh viện trước khi bắt đầu ca trực.

Tôi hi vọng không có bệnh nhân nào phải trải qua giờ phút sinh tử trong đêm nay.

Theo Jayden/Tổ Quốc