Anh Dư Tân Dân chia sẻ: "Tổn thất thì cũng tổn thất rồi, cuộc sống vẫn phải tiếp tục thôi".
Vào ngày 8/7, ông Dư Quảng Sinh (66 tuổi) tận mắt chứng kiến lũ lụt tràn vào làng mình - thôn Từ Gia (Thị trấn Du Đôn Nhai, huyện Bà Dương, thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, >Trung Quốc). Sau khi làng bị ngập, cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, cắt điện cắt nước, thiếu lương thực, nước sạch, môi trường ẩm thấp ngột ngạt, bên cạnh nhiều rủi ro như nhà sập, bệnh truyền nhiễm.
Theo báo cáo, hơn 9.000 người ở thị trấn Du Đôn Nhai đã đi sơ tán vào ngày hôm đó, có hơn 300 người đã chọn đến khu tập trung tạm thời - nơi cung cấp ba bữa ăn miễn phí trong ngày và ở trong ký túc xá có máy lạnh - nhưng một số người dân vẫn chọn ở lại.
"Chúng tôi không muốn đi. Vẫn còn gần 50 người (trong làng) ở lại", ông Dư nói với phóng viên tờ Ifeng (Trung Quốc). Nhiều người đã chuyển đến khu tập trung, thỉnh thoảng ngồi thuyền trở về để kiểm tra tình trạng ngôi nhà và tài sản của mình.
Nếu tôi nghe lời con, không nuôi cá thì sẽ không mất 200.000 NDT
"Trong nhà không có điện, trời thì nóng, không thể chịu nổi nữa rồi", ông Dư mặc một chiếc quần soóc, đổ mồ hôi đứng trong sảnh trên tầng hai, nói. Chiếc túi màu đỏ phía sau lưng ông chứa đầy thức ăn cho cá và chiếc tủ sắt màu xanh lá cây là máy cho cá ăn tự động.
Tầng một nhà ông đã bị ngâm trong nước hơn nửa tháng, dòng nước màu vàng đục trước đó đã chuyển sang màu vàng xanh, với bọt trắng nổi trên bề mặt. "Hiện tại nước đã rút hơn 1m và thời điểm cao nhất nước ngập gần đến tầng hai", ông chia sẻ.
Ngôi nhà ba tầng đầu tiên của ông Dư được xây dựng vào năm 1998 nhưng trận hồng thủy năm đó đã phá hủy hơn 30 ngôi nhà gỗ trong làng, trong đó có nhà của ông. Ngôi nhà mới được xây dựng này có giá hơn 200.000 nhân dân tệ.
Hồi năm 1998, ông cũng nhận khoán ao nuôi cá và trận lụt năm đó khiến ông thiệt hại hơn 100.000 NDT. 22 năm sau, cá của ông lại lần nữa trôi theo dòng lũ, dự tính tổn thất khoảng hơn 200.000 NDT. "Phải mất vài năm mới có thể gỡ lại", ông nói, nếu ông nghe lời khuyên của con cái, không nhận thầu 60 mẫu ao cá thì sẽ không tổn thất nhiều như vậy.
Vào đêm trước trận lụt, nhiều người dân trong làng Từ Gia đã lên đê để xem nước lũ. Vào thời điểm đó, nước cách đỉnh đê khoảng 2m.
Cả đêm hôm đó, trời mưa không ngớt, Dư Quảng Sinh nghe có người đề nghị với các cán bộ thôn rằng nên thông báo yêu cầu người dân sơ tán. Sau khi xem đê trở về, ông bắt đầu chuyển đồ đạc lên tầng hai.
Sáng hôm sau, mất điện đột ngột. Dư Quảng Sinh leo lên mái nhà để quan sát, dòng nước từ xa ầm ầm lao về phía ông. Ông nhớ ra cục nóng điều hòa vẫn chưa được tháo. Điều hòa nhà ông mới lắp từ năm ngoái, trị giá hơn 2.000 NDT. Ông vội vàng lấy thang leo lên, tháo tất cả các ốc vít, nhưng vẫn không tháo xuống được và đành nhìn nó bị ngập nước.
Ông cho biết, hiện tại ông vẫn còn gạo, mì, dưa muối, trứng gà, ga... bảo đảm vật chất cơ bản cho cuộc sống. Nhưng ông không dám giặt quần áo bởi trong nước có quá nhiều xác chết động vật.
Ông cũng tiết lộ, nơi ông sống còn xuất hiện tình trạng bị trộm khi có hai hộ gia đình đã bị trộm tài sản. Kẻ trộm lẻn vào làng vào ban đêm, và mục tiêu chính là các cục nóng điều hòa bên ngoài các ngôi nhà. Để đề phòng trộm, ban đêm, ông thắp nến khắp phòng và ngủ trên một tấm chiếu ở giữa sảnh để giữ nhà.
Lũ đến rồi, gạo vừa hết, nước sạch cũng không còn
Gia đình Dư Vệ Tinh thì không có bất cứ sự đề phòng nào trước đợt lũ lần này.
Vào ngày đê bị vỡ, Dư Vệ Tinh và vợ Dư Hứa Phượng còn đi phục vụ cho một đám tang. "Về đến nhà, chúng tôi mới biết lũ sắp đến, vội vã di chuyển đồ đạc từ tầng một lên tầng hai. Đê vỡ 4 đoạn, nước tràn rất nhanh, sóng rất lớn, âm thanh ào ào. Cánh cửa chính của nhà con trai tôi cũng bị cuốn trôi".
Vào ngày đầu tiên sau trận lụt, gia đình Dư Vệ Tinh không còn đồ ăn. Gạo vừa hết, nước cũng chưa kịp chuẩn bị. Trong nhà chỉ còn 3 bao thóc thu hoạch từ năm ngoái.
Nhiều người trong làng đã đến khu tập trung nhưng ông thì không. "Tôi không muốn đi. Họ nói rằng ở ngoài khu tập trung có người nấu ăn cho, tốt biết bao! Nhưng tôi không muốn đi, tôi muốn trông nhà. Nếu nước lại dâng cao, thì tôi còn phải chuyển đồ".
Dư Vệ Tinh cho biết, nhà ông còn đủ chắc chắn trong khi nơi tập trung đông người dễ xuất hiện bệnh truyền nhiễm: "Dù ở nhà không có ăn không có uống, tôi cũng không đi, khổ thì khổ. Hơn nữa, tôi còn phải trông nhà, nghe nói thôn bên cạnh, có nhà đã bị mất điều hòa".
Trong thời gian này, các loại rau khô vốn dự định phơi khô gửi cho người con trai làm việc xa nhà đã trở thành thực phẩm cứu cánh cho cả gia đình trong mùa lũ.
Dư Vệ Tinh cũng không dám đi mua rau, vì sợ bị lật thuyền khi đến đoạn đê vỡ.
Bỏ 300.000 NDT mở siêu thị, chưa đầy 2 tháng, hồng thủy đến
Dư Tân Dân và vợ đi làm công bên ngoài hơn 20 năm về trang trí nội thất. "Tôi không kiếm được nhiều tiền nhưng chi tiêu lại không ít".
Anh >sức khỏe kém, đường huyết cao. Sau khi đại dịch >Covid-19 xảy ra, anh không muốn đi xa lao động nên đã đầu tư 300.000 NDT để mở một siêu thị ở tầng một của nhà con gái, chính thức khai trương vào ngày 28/5 vừa qua.
Nhưng sau chưa đầy một tháng rưỡi kinh doanh, lũ lụt đã đến.
Vào đêm trước, Dư Tân Dân bắt đầu di chuyển đồ đạc nhưng việc anh không ngờ là đê bị vỡ. "Bởi vì đê đã được nâng lên sau năm 1998", anh nghĩ, thu dọn đồ đạc quá sớm sẽ ảnh hưởng tới việc kinh doanh và lãng phí thời gian.
Vào hè, tâm trạng anh căng như dây đàn. Anh thường lên đê quan sát và nghe đài phát thanh thông báo về trận lụt ở thượng nguồn lớn đến mức nào và khi nào nó sẽ đến. Trước khi trận lụt xảy ra, cán bộ thôn đã đi kiểm tra đê điều. "Nếu đê không giữ được, họ sẽ gõ chiêng thông báo", anh nói.
Khi đê bị vỡ, Dư Tân Dân vẫn ở trên ngọn núi phía sau nhà và anh nhìn thấy những cánh đồng bên dưới đều chuyển sang màu trắng. Anh vội vã về nhà, đầu óc rối bời, không biết phải di chuyển thứ nào trước. Cuối cùng, trận lụt đã nhấn chìm một số thiết bị chính trong nhà, bao gồm máy giặt và điều hòa.
Gia đình anh muốn bán bớt đồ trong siêu thị nhưng giờ đây, trong thôn không còn ai. "Nếu có người thân và bạn bè muốn mua, tôi sẽ chèo thuyền và đi đưa", anh nói.
Dư Tân Dân vẫn nhớ trận đại hồng thủy năm 1998, anh vẫn còn ở Thượng Hải, chỉ có vợ và con ở quê nhà. "Nước dâng, điện thoại không thể liên lạc được, vì vậy tôi vội vã về nhà. Khi đó, phần lớn các ngôi nhà ở đây đều là nhà gỗ, một tầng, nước đến thì không còn nơi để chạy, chẳng còn nơi để ở. Giờ đây đều là nhà tầng, nước đến thì chạy lên tầng trên".
Dư Tân Dân đang đợi con rể gửi máy phát điện đến để bật quạt và điều hòa. Anh chia sẻ: "Tổn thất thì cũng tổn thất rồi, cuộc sống vẫn phải tiếp tục thôi".