Địa điểm có một không hai ở Vân Nam, Trung Quốc đã thu hút nhiều du khách đến tham quan bởi họ có thể đón bình minh ba lần trong cùng một ngày.

Linh Chi (t/h) 08:20 22/03/2023

Nếu như hoàng hôn đem lại cho ta sự lãng mạn, chờ đợi, thì bình minh lại mang đến những năng lượng tích cực. Thông thường bình minh chỉ diễn ra một lần trong ngày, cho nên, đây là khoảnh khắc được nhiều du khách dậy sớm, chờ đợi để "săn đón". Thậm chí, có người phải leo núi từ nửa đêm, đợi đến kịp sáng chỉ để ngắm trọn thời khắc bình minh đẹp nhất trong ngày.

Tuy nhiên, cũng có một ngôi làng rất "kỳ lạ" ở Lệ Giang, Vân Nam, Trung Quốc - nơi bạn có thể ngắm bình minh ba lần một ngày. Bởi khung cảnh thơ mộng và được tạo hóa ban tặng cho cảnh tượng thiên văn độc đáo, làng Liming - Lê Minh (có nghĩa là bình minh), đã thu hút sự tò mò của du khách đến thăm. Nhiều nhà thiên văn học và khách du lịch đến đây chỉ vì muốn kiểm chứng hiện tượng thú vị này.

Làng Lê Minh thuộc vùng Lệ Giang, Vân Nam vốn yên tĩnh và hấp dẫn du khách bởi sự cổ kính, yên bình của sông núi, nước non hữu tình. Chính vì nằm trên vùng núi cao, nên ngôi làng này được mệnh danh là nơi đón bình minh đẹp nhất. Nếu như ở những nơi khác, du khách chỉ có thể ngắm mặt trời mọc một lần trong ngày, thì ở >làng Lê Minh - cứ vào ngày Đông chí (đỉnh điểm của mùa đông), bạn có thể ngắm mặt trời mọc ba lần trong vòng 24h, và mỗi lần như thế, màu sắc của bầu trời sẽ thay đổi.

Sở dĩ có hiện tượng thú vị này là vì ở phía Bắc của Làng Lê Minh, khi nhìn về phía đông - nơi mặt trời mọc có thể nhìn thấy ba ngọn núi được sắp xếp theo thứ tự độ cao chênh lệch nhau. Khi mặt trời mọc và ánh nắng nhẹ nhàng ló dạng trên đỉnh núi thứ nhất, toàn bộ đường chân trời là một màu cam đậm. Lúc này, khoảnh khắc bình minh vẫn đang ở đỉnh núi thứ nhất.

Ngôi làng kì lạ trên núi, nơi du khách đến thăm có thể ngắm bình minh 3 lần trong một ngày. Ảnh: Sohu. 

 

Một lúc sau, khi đã kết thúc bình minh ở đỉnh núi thứ nhất, nửa giờ sau, mặt trời sẽ bắt đầu ló dạng từ đỉnh núi thứ hai. Do độ cao của các ngọn núi này chênh lệch nhau, lúc này bầu trời đã có chút màu vàng óng của tia nắng ban mai, không còn là màu cam đậm như lúc ban đầu, thế nên sẽ có chút "chói mắt". Khoảnh khắc bình minh lúc này có thể nói là đẹp nhất trong cả quá trình mặt trời mọc tại làng Lê Minh.

Mặt trời mọc trên đỉnh núi thứ hai vô cùng rực rỡ. Ảnh: Sohu.

 

Ánh nắng vàng bắt đầu tỏa rạng từ phía sau những đỉnh núi, và bóng mặt trời đã in đậm khắp cả vùng đồi. Cứ như thế, nửa giờ sau đó, mặt trời lại khuất dần sau đỉnh núi thứ hai, rồi mọc lên từ từ sau đỉnh núi thứ ba.

Mặt trời mọc lần thứ ba, khung cảnh đặc biệt này khiến du khách thích thú. Ảnh: Sohu.

 

Hiện tượng mặt trời mọc ba lần một ngày chỉ xảy ra trong Tiết Đông chí vào khoảng 15 ngày của tháng 12. Nhiều du khách vì tò mò đã đến làng Lê Minh chỉ để kiểm chứng hiện tượng này. Làng Lê Minh thuộc vùng núi cao của Lệ Giang và được bao quanh bởi những ngọn núi nhấp nhô, với nhiệt độ trung bình hàng năm chỉ là 16 độ. Khi du khách ghé thăm địa điểm này vào giữa mùa hè, sẽ được chiêm ngưỡng những ngọn núi với cánh đồng xanh mướt và những bông hoa nở rộ. Vào tiết trời dịu mát, ngôi làng yên tĩnh và cổ kính cùng những ngọn núi dường như hòa quyện vào nhau, cảnh tượng thực sự rất kỳ vỹ.

Ngoài ra, khi đến thăm làng Lê Minh, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến một danh lam thắng cảnh vô cùng độc đáo mang tên núi Laojun - nơi được mệnh danh là "tổ tiên của những ngọn núi Vân Nam". Sở dĩ nó có tên như thế, là vì những vách đá trên núi có những vết nứt, tạo thành vảy, giống như hàng nghìn "mai rùa" đang hướng về phía đông, nơi mặt trời mọc, và ngọn núi này còn được gọi là "nghìn rùa hướng về phía mặt trời".

Núi Laojun ở làng Lê Minh, Vân Nam. Ảnh: Sohu.

 

Thời gian tốt nhất để đến thăm làng Lê Minh và ngắm bình minh là vào khoảng giữa mùa đông. Khi đến đây, bạn sẽ bị ấn tượng bởi những ngôi nhà nhỏ đan xen nhau theo phong cách cổ kính, mái tường phủ rong rêu, những con người giản dị, mộc mạc,…Khi đến tham quan ngôi làng này cũng chính là thời gian bạn để mình thư giãn và nghỉ ngơi sau những mệt mỏi rã rời nơi thành phố.

Theo Phương Uyên/ Tổ Quốc