Theo một nghiên cứu mới đây, loài voi rất muốn hợp tác với bạn bè để kiếm thức ăn, nhưng khi phát hiện thức ăn kiếm được quá ít để có thể chia sẻ thì sự hợp tác này sẽ bị phá vỡ.
Một nhóm nghiên cứu được dẫn đầu bởi những nhà khoa học tại Học viện Khoa học Trung Quốc vừa phát hiện ra rằng những con voi sẽ quyết định có hợp tác với nhau không dựa trên đối tác của chúng là ai và cách chúng hành động. Đồng tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Joshua Plotnik cho biết: "Những chú voi rất cẩn thận về các quyết định mà chúng đưa ra khi hợp tác.
Voi có xu hướng thay đổi cách chúng cạnh tranh để tiếp cận nguồn thức ăn và cách chúng giảm thiểu sự cạnh tranh để duy trì sự hợp tác là một dấu hiệu quan trọng cho thấy sự phức tạp về nhận thức và tính linh hoạt trong hành vi của loài vật này".
Joshua Plotnik là một nhà tâm lý học so sánh và cũng là lãnh đạo của Phòng thí nghiệm Nhận thức So sánh để Bảo tồn tại Đại học Thành phố New York, nơi nghiên cứu >voi châu Á. Ông cho biết, kết quả cho thấy voi có những điểm tương đồng với hành vi của con người, đặc biệt là khi những gì đạt được sau khi hợp tác với nhau bị hạn chế.
Ngoài voi, Tiến sĩ Plotnik còn đưa ra các ví dụ khác về sự hợp tác giữa các loài động vật khác nữa. Cụ thể, ông đã cho ví dụ về dơi ma cà rồng hợp tác để hút máu, sư tử hợp tác để săn mồi trên thảo nguyên, tinh tinh chung tay săn khỉ hay sự hợp tác giữa kiến hoặc ông mật thông qua hình thức là sống cùng một tổ, một đàn.
Những con voi có tình xã hội cao cũng thường hay giúp những đồng loại khác đang gặp khó khăn và thể hiện sự đồng cảm. Nghiên cứu mới cho thấy, chúng cư xử linh hoạt khi hợp tác - một phẩm chất không giới hạn thường gặp ở con người và các loài linh trưởng khác.
Qua một bài đăng trên tạp chí PLOS Biology, các nhà nghiên cứu đã viết: "Chúng tôi đã đưa ra hai khay đựng thức ăn để quan sát xem có hành vi cạnh tranh xuất hiện hay không, cả hai con voi chỉ được ăn nếu chúng đều chịu kéo dây. Kết quả cho thấy, hành vi này giảm thiểu rõ ràng ở những cặp duy trì sự hợp tác".
Báo cáo cho biết, sau gần 1.800 thử nghiệm được thực hiện trong 45 ngày, đã có 80% các cặp >voi hợp tác thành công. Trong khi đó, một số con cố gắng gian lận như "ăn chực" hoặc ăn trộm thức ăn mà các con voi khác dành được bằng cách kéo dây, những con voi khác cũng chấp nhận sự cạnh tranh hoặc chống trả lại.
Sau đó, nhóm nghiên cứu này lại chỉ đặt một khay thức ăn ở giữa bàn, điều này sẽ khiến việc độc chiếm thức ăn dễ dàng hơn nhiều. Trong lần thử nghiệm này, nhiều con voi đã thể hiện sự cạnh tranh bằng cách dùng ngà hoặc dùng đầu để đẩy đối phương hòng mục đích độc chiếm nguồn thức ăn này.
"Sau 17 lần thử nghiệm với một khay thức ăn, sự hợp tác đã hoàn toàn bị phá vỡ và không lập lại nữa. Khi nguồn lương thực bị hạn chế, các hành vi cạnh tranh diễn ra một cách phổ biến hơn, dẫn đến sự đổ vỡ trong hành vi hợp tác. Điều này phù hợp với những gì chúng ta biết về sự hợp tác của con người." - Nhóm nghiên cứu cho biết.
Tác giả chính của nghiên cứu, ứng viên Thạc Sĩ Lili Li đến từ Vườn thực vật nhiệt đới Xishuangbanna thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc ở phía Tây Nam tỉnh Vân Nam, đã dành chín tháng sống trong các trại voi từ tháng 5 năm 2019 để nghiên cứu.
"Thời gian ở trong trại voi đã cho tôi cơ hội không chỉ tìm hiểu về loài voi mà còn tạo nên sự kết nối giữa tôi với chúng ở một mức độ nào đó nữa. Voi rất giống con người chúng ta ở nhiều mặt, đại loại như trí thông minh và hành vi xã hội của chúng." - Li nói.