Trước tình hình các bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 tăng một cách chóng mặt, người đứng đầu khoa chăm sóc đặc biệt ở một bệnh viện tại Mát-xcơ-va cho biết tình huống này đã có thể dễ dàng tránh được nếu như nhiều người Nga lựa chọn tiêm chủng hơn.
Tiến sĩ Georgy Arbolishvili, Trưởng khoa chăm sóc đặc biệt không cần phải xem số liệu thống kê của chính phủ hoặc nghe về các "kỷ lục" mới hàng ngày về số ca nhiễm trùng và tử vong để biết Nga đang phải vật lộn với giai đoạn đáng báo động của đại dịch Covid-19.
Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 1/3 trong tổng số 146 triệu người Nga được tiêm vaccine phòng Covid-19. Mỗi ngày trong nhiều tuần qua, đất nước này đều ghi nhận gần 1000 ca tử vong được báo cáo, vào thứ 7 vừa rồi, con số này thậm chí đã bị phá vỡ - tình huống mà Tiến sĩ Arbolishvili miêu tả là "nguồn gốc của sự tuyệt vọng".
"Phần lớn bệnh nhân đang nằm trong khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) đều trong tình trạng chưa tiêm chủng" - Tiến sĩ Arbolishvili nói với AP - "Căn bệnh này có thể dễ dàng tránh được nếu như mọi người đều được tiêm chủng".
Mặc dù lượng vaccine là rất dồi dào, người Nga vẫn tỏ ra do dự và hoài nghi khi đi tiêm chủng. Điều này được cho là do các thông tin trái chiều nhau mà các nhà chức trách đã đưa ra kể từ khi dịch bắt đầu vào năm ngoái.
Ngay cả khi các khu ICU đều đang trong tình trạng quá tải trong những tuần gần đây, cuộc sống ở Mát-xcơ-va vẫn tiếp diễn như chẳng có gì xảy ra. Các nhà hàng, rạp chiếu phim vẫn chật kín người, các club, quán karaoke vẫn đông người vào buổi tối và những người đi làm thì bỏ khẩu trang ra khi bước lên các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu ngầm,...
Bác sĩ nội trú tại Bệnh viện lâm sàng số 52 Thành phố Mát-xcơ-va, Natavan Ibragimova cho biết, cô đã phải rùng mình vì thực tế trên: "Tôi nghĩ về những đêm mất ngủ khi chúng tôi (các nhân viên y tế tại bệnh viện) tiếp nhận một số lượng lớn bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 mà bản thân họ thậm chí còn không thèm sử dụng những phương thức bảo vệ bình thường như đeo khẩu trang".
Ibragimova cho biết thêm, trong khi những người đã được tiêm vaccine không có triệu chứng nghiêm trọng thì những người chưa tiêm đã cảm thấy vô cùng hối tiếc, cô nói: "Những bệnh nhân sống sót được xuất viện sau khi trải qua một cơn bạo bệnh nói với chúng tôi rằng 'Bác sĩ đã đúng, tôi sẽ nói với mọi người rằng ai cũng cần phải tiêm vaccine'".
Phó Thủ tướng Nga, bà Tatyana Golikova người đứng đầu lực lượng chống virus Corona và hôm thứ 3 ngày 19/10 vừa qua có đưa ra lời đề nghị về việc tạm cho các người lao động trong khu vực có dịch tạm nghỉ một thời gian. Cụ thể, ngày nghỉ sẽ rơi vào từ 30/10 đến hết một tuần sau đó vì trong khoảng thời gian này có đến 4 ngày là ngày nghỉ của nhà nước. Bộ Nội các sẽ yêu cầu Tổng thống Putin cho phép động thái này, điều này sẽ vẫn giữ cho nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ mở cửa.
Các nhà chức trách cũng đã gây áp lực buộc các nhân viên y tế, giáo viên và công chức phải tiêm vaccine nhưng tốc độ vẫn khá ì ạch. Putin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng và việc tiêm chủng phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov thừa nhận rằng mặc dù chính phủ đã làm mọi cách để dễ dàng cung cấp vắc-xin, nhưng lẽ ra chính phủ phải chủ động hơn trong việc khuyến khích việc này.
Các nhà chức trách đã thiết lập các điểm tiêm chủng tại các trung tâm thương mại và các cơ sở khám chữa bệnh,.. mà không cần phải xếp hàng hay đặt chỗ trước. Họ cũng đã sử dụng xổ số, tiền thưởng và các biện pháp khác để khuyến khích người dân tiêm phòng nhưng không thành công.
Vào tháng 8/2020, Nga tự hào là quốc gia đầu tiên trên thế giới được cấp phép sử dụng vaccine phòng Covid-19 mặc dù nó chỉ mới được thử nghiệm trên vài chục người vào thời điểm đó. Thậm chí, tên của loại vaccine này còn được đặt là Sputnik V để vinh danh chương trình vũ trụ tiên phong của họ.