Viện Gamaleya của Nga phát triển vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V đã khẳng định mẫu vaccine này có thể ngăn chặn hiệu quả biến chủng Omicron.
Theo chia sẻ thông tin từ Reuters, biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi và sau đó đã lan tới một số quốc gia khác. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại Omicron là biến thể đáng lo ngại. WHO cho biết, các bằng chứng ban đầu cho thấy >biến thể mới làm tăng nguy cơ tái nhiễm ở những >bệnh nhân Covid-19. Các nhà nghiên cứu cũng chia sẻ rằng sẽ mất vài tuần để biết liệu các loại vaccine hiện tại có giảm hiệu quả trước biến thể Omicron hay không.
Viện Gamaleya cách đây vài tháng khẳng định Sputnik V có hiệu quả đến 90% đối với biến chủng Delta đang hoành hành toàn cầu. Giám đốc Viện Gamaleya, ông Alexander Gintsburg khẳng định Sputnik V an toàn và hiệu quả trong đối phó các chủng virus khác nhau. Chuyên gia Mỹ nêu quan điểm: "Sputnik có thể hoạt động tốt hơn một chút, vài phần trăm. Vaccine công nghệ adenovirus nói chung kích hoạt phản ứng miễn dịch rộng hơn vaccine mRNA. Nhưng sự khác biệt có thể rất nhỏ".
Bên cạnh đó, trang AFP đưa tin, Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) cũng khẳng định: "Trong trường hợp có thể cần tới sự điều chỉnh, phiên bản mới của Sputnik cho biến thể Omicron có thể được sản xuất quy mô trong 45 ngày tới. Hàng trăm triệu liều vaccine phiên bản mới có thể được cung cấp cho các thị trường vào tháng Hai năm sau, với khoảng 3 tỷ liều sẽ được bán ra trong cả năm 2022".
Hiện tại, Điện Kremlin cho biết cần có thêm dữ liệu trước khi đưa ra kết luận về biến thể Omicron. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay: "Chúng tôi thấy rằng những phản ứng trên thị trường hiện nay đều mang tính cảm xúc, không dựa trên bằng chứng khoa học. Cả thế giới đang cố gắng tìm hiểu mức độ nguy hiểm của biến thể mới".