Tiết Tần là một nữ nhân mang mệnh khổ, chết không toàn thây lại còn bị rút xương làm đàn tì bà.
Thời cổ đại, đa số phụ nữ tin rằng chỉ cần họ nhập cung và trở thành người đứng đầu hậu cung thì họ có thể tự hào với người trong thiên hạ. Chính vì thế, dù vị trí Hoàng hậu chỉ có một nhưng rất nhiều mỹ nhân đã tranh đấu để được nhập cung. Họ đều không biết, một khi đã tiến vào hậu cung thì sẽ phải sống cả đời tại đấy.
Nếu được Hoàng đế sủng hạnh thì sẽ hưởng vinh hoa vô cùng. Nhưng nếu không may, những nữ nhân đấy ngoài việc phải chịu sự cô đơn cả đời thì còn phải tự thân chống lại những mưu sâu kế hiểm. Rất nhiều người đã bỏ mạng tại cung cấm.
Trong >lịch sử Trung Hoa có hai nữ nhân chết thê thảm nhất. Một là Thích Phu Nhân, sủng phi của Hán Cao Tổ Lưu Bang, bà đã bị Lã Hậu giết chết bằng những đòn ghen tuông tàn độc. Người còn lại là Tiết Tần, phi tần của Văn Tuyên Đế Cao Dương.
Gia tộc Cao thị >thời Bắc Tề rất khác biệt với các gia tộc khác. Họ không chỉ không thể trị quốc mà còn hoang dâm vô đạo, giết người tàn bạo. Đó là lý do mà các nhà sử học gọi Bắc Tề là vương triều "cầm thú" đầy dâm loạn.
Văn Tuyên Đế Cao Dương là Hoàng đế khai quốc của triều đại Bắc Tề trong lịch sử Trung Hoa. Trước khi ngồi vào ngai vàng Cao Dương vẫn hành xử bình thường. Tuy nhiên, khi tiên Hoàng đế băng hà, Cao Dương bắt đầu thâu tóm triều chính thì đã trở nên bạo tàn hách dịch hơn. Sự bạo ngược đã ăn sâu vào máu, không giết người, Cao Dương sẽ cảm thấy đau đớn trong lòng. Ăn uống đều phải giết người để mua vui.
Cao Dương cũng thường bắt dân nữ đưa vào hoàng cung và hưởng lạc cùng thân tín. Tính tình của vị Hoàng đế này có thể được miêu tả bằng chữ "thối nát", thậm chí có thể không mặc quần áo mà đi diễu hành khắp phố chợ.
Tiết Tần xuất thân từ ca kỹ, nàng rất xinh đẹp và được Cao Dương cực kỳ sủng ái. Nhưng ở thời cổ đại, gần vua như gần hổ. Dù được Hoàng đế nhất mực sủng ái Tiết Tần cũng không tránh được cái chết thê thảm.
Tiết Tần có một người em gái cũng xinh đẹp không kém. Cao Dương thường xuyên đến quán rượu của người này và sau đó đã phát sinh tư tình. Em gái của Tiết Tần cũng rất thông minh, dựa vào mối quan hệ này, nghĩ rằng Hoàng đế rất yêu thương mình nên đã cầu xin Cao Dương phong cho cha ruột chức quan Tư Đồ.
Ai ngờ Cao Dương vừa cười vui vẻ đã lập tức cau có nổi giận, hắn chỉ vào em gái của Tiết Tần và nói: "Tư Đồ là chức quan quan trọng trong triều, ngươi muốn xin là xin được sao?". Nói xong hắn đích thân dùng cưa cưa chết nữ nhân này.
Một thời gian sau, Cao Dương nghi ngờ Tiết Tần và Cao Nhạc (thúc thúc của Cao Dương) có mối quan hệ mờ ám. Không nói không rằng, hắn đã ban rượu độc cho Cao Nhạc, sau đó chặt đầu Tiết Tần chỉ với một nhát dao. Tiếp đó, Cao Dương giấu thủ cấp đầy máu của Tiết Tần trong tay áo rồi đến dự yến hội.
Trên yến hội đêm hôm đó, Cao Dương uống rất nhiều rượu, tinh thần vô cùng sảng khoái. Khi yến hội đến cao trào, hắn rút thủ cấp khỏi tay áo và ném thẳng lên bàn tiệc khiến những người có mặt sợ hãi tột độ.
Cao Dương vẫn bình tĩnh lệnh cho người mang thi thể của Tiết Tần đến trước mặt mọi người. Sau đó đoạn chi và rút xương chân ngay tại chỗ, hắn muốn dùng xương chân của Tiết Tần để làm một cây đàn tì bà. Tiết Tần đã trở thành phi tần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc bị rút xương làm đàn tì bà.
Về sau, khi ôm cây đàn tì bà đó, Cao Dương rơi nước mắt mà nói: "Giai nhân nan tái đắc" (Người đẹp khó gặp lại).
Sau khi biến xương chân của Tiết Tần thành đàn tì bà, Cao Dương đã tổ chức tang lễ cho nàng. Lúc đấy, hắn đi theo đoàn đưa tang và khóc rất to như thể bản thân rất đau lòng.