Theo giới chức trách và báo cáo địa phương, mưa lớn đã gây lũ lụt chết người ở miền bắc Ấn Độ vào cuối tuần qua.

14:50 11/07/2023

Hãng AP dẫn tin, các trường học ở New Delhi (Ấn Độ) đã buộc phải đóng cửa vào ngày 10/7 sau khi mưa gió mùa lớn trút xuống thủ đô Ấn Độ, kèm theo lở đất và lũ quét và đã khiến 15 người tử vong. Xa hơn về phía bắc, sông Beas tràn bờ cuốn theo các phương tiện xuống hạ lưu. Nước lũ vào làm ngập các khu dân cư.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Những cơn mưa đã gây ra lũ quét và >sạt lở đất. Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết New Delhi đã ghi nhận lượng mưa 153 mm (6 inch) vào ngày 9/7, ghi nhận đây là tháng 7 ẩm ướt nhất của thành phố kể từ năm 1982.

Ngày 9/7, Cục Khí tượng Ấn Độ cũng đưa ra cảnh báo đỏ, cho thấy mức độ đe dọa cao nhất đối với các bang phía bắc Himachal Pradesh, Uttarakhand, Punjab và Haryana. Cảnh báo sạt lở đất cũng được ban hành đối với các bang Uttarakhand và Himachal Pradesh.

Các nỗ lực cứu hộ cũng đang được tiến hành đối với những người bị lũ cuốn trôi khắp bang Himachal Pradesh. Sáng sớm 10/7, 27 người đã được giải cứu khỏi một khách sạn bị ngập lụt ở quận Kullu gần sông Beas tràn bờ.

Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết trong 5 ngày tới bắt đầu từ 10/7, "lượng mưa lớn đến rất lớn" được dự báo sẽ xảy ra ở các khu vực phía bắc Punjab, Haryana, Chandigarh, Delhi, Rajasthan và Uttar Pradesh.

Các trường học ở bang Chandigarh cũng được khuyên nên đóng cửa cho đến hết ngày 11/7. Sở Giáo dục địa phương cho biết những trường học lựa chọn tiếp tục mở cửa bắt buộc phải "đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên tại trường".

Tại phía tây nam Delhi, Chính quyền ở thành phố vệ tinh Gurugram đã ra lệnh đóng cửa các trường học vào ngày 10/7 do "lượng mưa đáng kể" cũng như lo ngại về lũ lụt, cây đổ và những gián đoạn tiềm ẩn khác. Hiện tại, Ấn Độ đang ở giữa mùa gió mùa, có thể kéo dài từ tháng Tư đến tháng Chín.

Trong khi đó, ở Nhật Bản, những cơn mưa xối xả trút xuống phía tây nam, gây ra lũ lụt và sạt lở đất khiến 2 người thiệt mạng và ít nhất 6 người khác mất tích vào ngày 10/7. Truyền hình địa phương đăng tải hình ảnh những ngôi nhà bị hư hại ở tỉnh Fukuoka và nước bùn từ sông Yamakuni dâng cao gây ảnh hưởng đến cây cầu ở thị trấn Yabakei.

Hay tại Thung lũng Hudson của New York và ở Vermont, một số người nói rằng họ đã nhìn thấy trận lũ tồi tệ nhất kể từ khi cơn bão Irene tàn phá vào năm 2011.

Thời tiết trở nên tồi tệ hơn

Mặc dù lũ lụt tàn phá ở Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có vẻ là hiếm gặp nhưng các nhà khoa học khí quyển cho biết tất cả đều có điểm chung là các cơn bão đang hình thành trong bầu không khí ấm hơn, khiến lượng mưa cực đoan trở thành hiện thực thường xuyên hơn.

Hiện tượng nóng lên, theo các nhà khoa học, sẽ chỉ làm cho thời tiết trở nên xấu đi. Đó là bởi vì bầu không khí ấm hơn giữ nhiều độ ẩm hơn, dẫn đến các cơn bão tạo ra nhiều mưa hơn, thậm chí có thể gây ra hậu quả chết người. Các chất gây ô nhiễm, đặc biệt là carbon dioxide và metan đang làm bầu khí quyển nóng lên. Thay vì cho phép nhiệt tỏa ra khỏi Trái đất vào không gian thì chúng giữ nhiệt lại.

Mặc dù >biến đổi khí hậu không phải là nguyên nhân khiến các cơn bão giải phóng lượng mưa, nhưng những cơn bão này hình thành trong bầu không khí khiến trở nên ấm hơn và ẩm ướt hơn.

"Không khí nóng nở ra và không khí lạnh co lại. Bạn có thể xem như quả bóng bay - khi được làm nóng, thể tích sẽ lớn hơn, do đó nó có thể chứa nhiều hơi ẩm hơn", ông Rodney Wynn, Nhà khí tượng học tại Dịch vụ thời tiết quốc gia ở Vịnh Tampa cho biết.

"Khi giông bão phát triển, hơi nước ngưng tụ thành những hạt mưa và rơi trở lại bề mặt. Vì vậy, khi những cơn bão này được hình thành trong môi trường ấm hơn có nhiều độ ẩm hơn, lượng mưa sẽ tăng lên," Brian Soden, Giáo sư khoa học khí quyển tại Đại học Miami giải thích.

Bên cạnh đó, dọc theo bờ biển Biển Đen có nhiều núi và danh lam thắng cảnh của Thổ Nhĩ Kỳ, mưa lớn đã làm dâng các dòng sông và tàn phá các thành phố do lũ lụt và lở đất. Ít nhất 15 người thiệt mạng do lũ lụt ở một vùng núi khác, thuộc Tây Nam Trung Quốc.

"Khi khí hậu trở nên ấm hơn, chúng tôi cho rằng các trận mưa dữ dội sẽ trở nên phổ biến hơn, đó là một dự đoán rất chắc chắn về các mô hình khí hậu. Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy những hiện tượng này xảy ra bởi đã dự đoán ngay từ ngày đầu tiên", Soden nói thêm.

Trong khi đó, Gavin Schmidt, nhà khí hậu học kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Vũ trụ Goddard của NASA lưu ý những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu lại không phải là những khu vực thải ra lượng chất gây ô nhiễm làm hành tinh nóng lên nhiều nhất.

"Hầu hết lượng khí thải đến từ các quốc gia công nghiệp phương Tây và các tác động đang xảy ra ở những nơi không có cơ sở hạ tầng tốt, ít được chuẩn bị cho thời tiết khắc nghiệt và không có cách nào thực sự để quản lý điều này", ông Schmidt nhấn mạnh./.

 

Theo Hồng Nhung/Tổ Quốc