Tháng 7/2023 có rất nhiều hiện tượng thời tiết bất thường khiến cộng đồng khoa học phải sửng sốt.

09:27 02/08/2023

Chúng ta đang chứng kiến một tháng 7 với rất nhiều bất thường về thời tiết, vượt xa mọi định nghĩa về sự bình thường.

Tháng 7 đang mang đến những trận mưa lịch sử và tàn khốc cho các vùng của Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc. Tháng 7 cũng chứng kiến những trận cháy rừng dữ dội mang không khí nguy hiểm đến các vùng của Mỹ và Canada - Chúng ta đang hứng chịu tất cả các loại thiên tai mà các nhà nghiên cứu đã dự đoán từ cách đây rất lâu khi hành tinh nóng lên. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các đợt nắng nóng kéo dài bao trùm các khu vực ở Bắc Mỹ và châu Âu trong tháng 7 sẽ "hầu như không thể xảy ra" nếu không có dấu vết của biến đổi khí hậu.

Những người thợ lợp mái nhà đội mũ để che nắng ở Eagle Pass, Texas, Mỹ vào tuần trước. Ảnh: Adrees Latif/Reuters

 

Lũ lụt tại Vermont, Mỹ. Ảnh: Steven Senne/AP

Nhưng có một số sự kiện >thời tiết bất thường đến nỗi khiến cộng đồng khoa học phải sửng sốt: Băng biển ở Nam Cực đang ở mức thấp trong lịch sử vào thời điểm này trong năm. Nhiệt độ bề mặt nước biển trên khắp Bắc Đại Tây Dương đã “vượt khỏi bảng xếp hạng”. Nhiệt độ nước ngoài khơi bờ biển Nam Florida (Mỹ) đã tăng đến mức không thể đo lường được trong những ngày gần đây, khiến các nhà khoa học lo sợ cho số phận của rạn san hô sống duy nhất ở lục địa nước Mỹ.

Trong nhiều năm, các nhà khoa học khí hậu đã lặp đi lặp lại nhiều chi tiết về nhiều tác động có thể xảy ra khi thế giới ngày càng nóng lên, chẳng hạn như các cơn bão dữ dội hơn, mưa xối xả hơn, nước biển dâng nhanh và các chỏm băng tan chảy ồ ạt. Nhưng họ cũng khẳng định rõ ràng rằng với sự nóng lên nhiều hơn sẽ dẫn đến khả năng xảy ra những hậu quả không lường trước được, cũng như không thể đảo ngược được.

Hơn một thập kỷ trước, một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ đã phát hiện ra rằng mặc dù nhiều khía cạnh của biến đổi khí hậu và tác động của nó "được cho là gần như tuyến tính và dần dần", nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng.

David Armstrong McKay, một thành viên nghiên cứu về tác động tại Đại học Exeter (Anh), cho biết El Nino và các biến đổi tự nhiên khác có thể đóng một vai trò trong các sự kiện cực đoan của mùa hè năm 2023. 

Ông nói: "Nhưng tất cả đều xảy ra trên cơ sở của sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra. Những điều từng là một sự kiện hiếm gặp đang trở nên phổ biến hơn; và điều từng là không thể trong điều kiện khí hậu không thay đổi giờ đang trở thành một khả năng thực sự".

Cư dân địa phương cố gắng dập tắt đám cháy rừng đang bùng cháy ở làng Gennadi, trên đảo Rhodes ở Biển Aegean, Hy Lạp, vào ngày 25 tháng 7. Ảnh: Petros Giannakouris/AP

Gavin Schmidt, Giám đốc Viện Nghiên cứu Không gian Goddard của NASA, đồng tình. Ông nói: Các điều kiện trong tháng 7 nóng nhất từng được quan sát trên Trái Đất "gây sốc, nhưng không gây ngạc nhiên".

Nhưng một số điểm dữ liệu - chẳng hạn như sự gia tăng lớn về nhiệt độ bề mặt Bắc Đại Tây Dương và lượng băng bao phủ tối thiểu vào mùa đông quanh Nam Cực - đủ bất thường để khiến các nhà khoa học ngạc nhiên.

Từ Quần đảo Anh đến bờ biển Newfoundland (Canada), nhiệt độ Bắc Đại Tây Dương đã tăng gần như vượt quá những dự đoán cực đoan nhất của các nhà khoa học - ấm hơn 10 độ C so với bình thường của tháng trước.

Gregory Johnson, nhà hải dương học tại Phòng thí nghiệm môi trường biển Thái Bình Dương - thuộc Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), cho biết nhiệt độ bề mặt nước biển toàn cầu đã tăng khoảng 0,15 độ C mỗi thập kỷ, do các đại dương đã hấp thụ phần lớn sự nóng lên do khí thải nhiên liệu hóa thạch và hiệu ứng nhà kính gây ra. Điều đó làm cho mọi thứ trở nên đáng báo động hơn. 

ĐIỂM TỚI HẠN

Tháng 9/2022, David Armstrong McKay và các đồng nghiệp khác đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí Science, cảnh báo rằng việc để thế giới nóng lên hơn 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp có thể gây ra nhiều "điểm bùng phát" trên toàn cầu.

Hiện tại, hành tinh này đang trải qua mức nhiệt hơn 1,1 độ C nóng lên. Nếu xu hướng đó tiếp tục, cuối cùng nó có thể dẫn đến sự biến mất của các rạn san hô, mực nước biển dâng cao do các tảng băng sụp đổ, băng vĩnh cửu tan băng trên diện rộng hoặc sự sụp đổ của các quần xã sinh vật quan trọng như rừng nhiệt đới Amazon...

Trong đánh giá gần đây nhất về khoa học, Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc đã trình bày chi tiết cách các hệ sinh thái khác nhau, từ rừng phương bắc đến băng vĩnh cửu, có thể thay đổi theo những cách "không thể đảo ngược" ở các mức độ nóng lên khác nhau của Trái Đất.

Một hệ thống mà các nhà nghiên cứu đang theo dõi chặt chẽ là băng biển ở Nam Cực, vốn hình thành quá chậm trong năm nay, dẫn đến câu hỏi liệu nó có đang hướng tới sự sụp đổ hay không.

Những tảng băng tan chảy trên đảo Horseshoe ở Nam Cực vào tháng Hai. Ảnh: Sebnem Coskun/Getty Images

 

Một con cá bơi gần san hô có dấu hiệu bị tẩy trắng tại Cheeca Rocks ngoài khơi bờ biển Islamorada, Florida, Mỹ vào ngày 23 tháng 7. Ảnh: Andrew Ibarra/AP

Băng ở Nam Cực luôn có xu hướng biến động - nó đạt mức thấp kỷ lục vào năm 2017 nhưng sau đó đã phục hồi gần mức trung bình. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, băng ở Nam Cực đã liên tục đạt mức thấp kỷ lục trong suốt mùa hè ở Nam bán cầu. Giờ đây, nó có thể đang tiến tới mức thấp cực đại vào tháng 9/2023 - thấp đến mức các nhà khoa học cho rằng nó có thể xảy ra chỉ một lần trong hàng triệu năm, nếu đó chỉ là vấn đề biến đổi tự nhiên.

Khi mùa hè oi ả năm 2023 bước sang tháng 8, với một đợt khuyến cáo khác về nhiệt độ ở mức rất cao, các nhà khoa học và những người ủng hộ môi trường đang hy vọng các hiện tượng cực đoan gần đây bằng cách nào đó sẽ thúc đẩy kiểu hành động tập thể toàn cầu vốn hầu như không có.

"Ngay cả khi chúng ta ngừng phát thải khí nhà kính vào ngày mai, chúng ta vẫn phải đối phó với kiểu khí hậu này. Đây phải là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng chúng ta đang sống trong một thực tế đã thay đổi và nếu không muốn mọi việc đi quá xa, chúng ta cần đầu tư vào mọi mặt."

António Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, khẳng định: "Các nhà lãnh đạo phải dẫn đầu. Không còn do dự nữa. Không còn lời bào chữa nào nữa. Không còn phải chờ đợi những người khác hành động trước nữa. Thiên tai xảy ra khắp nơi, điều này không nên tạo nên sự tuyệt vọng nữa mà là hành động. Hành động càng sớm càng tốt".

Nguồn: Washington Post

 

Theo Trang Ly/Tổ Quốc