Hoàng đế Hàm Phong lúc đấy chỉ có 5 nữ nhân, Vân tần gần như đã có thân phận tối cao ở hậu cung.

Phương Duy 08:43 27/06/2020

Vào thời nhà Thanh, trong hoàng tộc có một quy định là: Hoàng đế sẽ chỉ định đích và trắc phúc tấn cho các con trai. Ngoài ra, để hoàng tộc có thể khai chi tán diệp (con đàn cháu đống) và cuộc sống các con trai được chăm sóc kĩ lưỡng, Hoàng đế cũng ban cho họ vô số quan nữ tử khác. 

Những quan nữ tử này chính là những nữ nhân Bao kỳ được tuyển chọn để nhập cung. Thân phận ban đầu của họ là cung nữ.

Vào năm Đạo Quang thứ 27 >triều nhà Thanh, Hoàng đế Đạo Quang bí mật lập trữ quân, lập Tứ a ca Dịch Trữ làm Hoàng thái tử. Sau đó ông còn chỉ định đích phúc tấn cho Dịch Trữ. Nàng là Tát Khắc Đạt thị thuộc Mãn Châu Tương Lam kỳ, một gia tộc tầm trung. Bên cạnh đó, Hoàng đế Đạo Quang cũng ban cho Thái tử một nhóm quan nữ tử, trong số đó có Võ Giai thị.

Võ Giai thị đến từ Chính Hoàng kỳ Bao y của Nội vụ phủ. Phụ thân của nàng chỉ là một binh lính nhỏ. Tuy nhiên, với sự trẻ trung xinh đẹp và thông minh lanh lợi, Võ Giai thị nhanh chóng được Dịch Trữ yêu thương sâu sắc. Thậm chí, Dịch Trữ còn cầu xin Hoàng đế chỉ định Võ Giai trị trở thành trắc phúc tấn, dù vào thời điểm đấy, nàng chưa hề có con. Có thể thấy Dịch Trữ rất sủng ái nữ nhân này.

Ảnh minh họa.

Sau khi Hoàng đế Quang Đạo băng hà, Dịch Trữ kế thừa ngôi vị, trở thành Hoàng đế Hàm Phong, đích phúc tấn Tát Khắc Đạt thị qua đời trước đó được truy phong Hoàng hậu, cách cách Vũ Giai thị sơ phong Vân Quý nhân. Sau khi lên ngôi, ông cần phải thực hiện chữ hiếu trong 27 tháng với phụ hoàng đã mất nên không thể tổ chức tuyển tú, trong hậu cung của ông chỉ có duy nhất một nữ nhân, đó là Võ Giai thị. 

Năm Quang Tự thứ 2, Hoàng đế tổ chức Bát kỳ tuyển tú lần đầu tiên từ khi kế vị. Lúc đó, có 4 người nhập cung là Trinh tần Nữu Hỗ Lộc thị (sau là Từ An Thái hậu), Lan Quý nhân Diệp Hách Na Lạp thị (sau là Từ Hi Thái hậu), Anh Quý nhân Y Nhĩ Căn Giác La thị (sau bị giáng thành Y Đáp Ứng) và Lệ Quý nhân Tha Tha Lạp thị (sau là Trang Tĩnh Hoàng quý phi).

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, sau đó Trinh tần Nữu Hỗ Lộc thị đã được tấn thăng, trở thành Trinh Quý phi và ngồi vào vị trí chủ quản hậu cung. Trên thực tế, Nữu Hỗ Lộc thị đã được chọn vào vị trí Hoàng hậu ngay từ khi nhập cung. 

Cũng trong năm đó, Võ Giai thị được tấn thăng từ Vân Quý nhân lên Vân tần. Hậu cung của Hoàng đế Hàm Phong lúc đấy chỉ gồm 5 người, ngoài Trinh Quý phi và Vân tần, 3 người còn lại chỉ ở vị trí Quý nhân. Chính vì thế, Lan Quý nhân Diệp Hách Na Lạp thị (sau là Từ Hi Thái hậu) khi gặp Võ Giai thị bắt buộc phải quỳ xuống hành lễ. 

Sau đó, Hoàng đế bắt đầu chuyển sự chú ý sang những phi tử mới nhập cung. Sức khỏe của Võ Giai thị vốn yếu ớt nhưng giờ đây Hoàng đế đã không buồn hỏi han. Võ Giai thị ngày càng vô vọng khi chứng kiến thân phận của những người mới ngày càng cao hơn, Lan Quý nhân tấn thăng Ý tần, Lệ Quý nhân tấn thăng Lệ tần, ngang hàng với mình.

Mùng 4 tháng Giêng năm Hàm Phong thứ 5 (tức năm 1855), trong khi mọi người vui mừng đón năm mới thì trong cung lan truyền thông tin về cái chết của Vân tần Võ Giai thị. Trong các tài liệu lịch sử không ghi chép về năm sinh của Võ Giai thị, nhưng dựa theo các mốc thời gian trở thành quan nữ tử cho Thái tử Dịch Trữ năm Quang Đạo thứ 29, qua đời năm Hàm Phong thứ 5, Võ Giai thị tầm khoảng 20 tuổi.

Vì Hoàng đế Hàm Phong không xây dựng lăng tẩm cho mình ngay sau khi đăng cơ, kim quan của Võ Giai thị tạm thời được đặt ở Tĩnh An trang. Mãi đến 10 năm sau, năm Đồng Trị thứ 4 (tức năm 1865), dưới sự chủ trì của Từ An Thái hậu và Từ Hi Thái hậu, Định lăng của Hoàng đế Hàm Phong mới được hoàn thành. 

Trong năm đó, Hoàng đế Hàm Phong và nguyên phối (vợ cả) Tát Khắc Đạt thị được di táng vào Định Lăng, Vân tần nhập táng Phi viên tẩm trong Định lăng. Vân tần trở thành phi tử đầu tiên được chôn cất tại Phi viên tẩm của Định lăng.

Theo Hy Li/Tổ Quốc