Với giống loài của mình, cụ xứng đáng với danh hiệu anh hùng!
Được phát hiện tại đảo Galapagos (Ecuador) cách đây 50 năm, quần thể rùa Galapagos có nguy cơ đứng trên bờ vực diệt vong khi chỉ còn 14 cá thể duy nhất tồn tại (bao gồm 12 con cái và 2 con đực). Dù đã làm hết cách, nhưng bản thân các nhà khoa học cũng phải bó tay bất lực không thể làm gì hơn. Và trong giờ khắc đen tối nhất của loài rùa Galapagos, "quy lão" Diego xuất hiện như một ánh sáng giữa màn đêm tối tăm!
Vốn thường trú ở sở thú San Diego (Mỹ), nhưng chẳng ai rõ >cụ rùa Diego đã sống ở đây được bao nhiêu lâu. Theo suy đoán của các nhân viên lâu năm, thì quy lão được chuyển tới sở thú từ những năm 1900-1950 bởi các nhà động vật học.
Vào năm 1976, rùa Diego được các nhà khoa học "ship" ngay tới đảo Galapagos để thực hiện nhiệm vụ gây giống. Không hiểu do hợp cảnh hay phải hơi các nàng rùa cái, mà quy lão Diego đã giúp quần thể rùa đang lẹt đẹt ở con số 14 cá thể tăng lên thành... 2000 cá thể!
Các nhà khoa học quay trở lại đảo vào năm 2006 và phát hiện ra loài rùa Galapagos đang ngày càng sinh sôi lớn mạnh. Họ cũng cho biết 40% cá thể sống tại đảo đều là con cháu của cụ Diego mà ra!
Thế nhưng gần đây, quy lão Diego đã chính thức được nghỉ hưu từ chương trình nhân giống của công viên quốc gia Galápagos trên đảo Santa Cruz. Bộ trưởng môi trường của Ecuador Paulo - ông Proaño Andrade, đã nói rằng đó là "sự kết thúc của một kỷ nguyên tốt đẹp".
Ông Jorge Carrion, giám đốc công viên quốc gia Galápagos, trả lời hãng tin AFP: "Diego đã làm rất tốt công việc duy trì nòi giống, nhưng giờ có lẽ nó cần phải nghỉ ngơi thôi".
Nặng 80kg và đã sống hơn 100 tuổi, rùa Diego luôn được ca ngợi bởi khả năng "giường chiếu" và thành tựu cứu giống loài của mình khỏi bờ vực tuyệt chủng. Thậm chí, cụ Diego vẫn đang sống rất vui, khỏe và có ích với dàn "hậu cung" gồm... 6 bà vợ!
Rùa khổng lồ là loài sống lâu nhất trong tất cả các loài động vật có xương sống, trung bình hơn 100 năm, con già nhất đã sống đến 152 tuổi. Các loài động vật bản địa lần đầu tiên được tìm thấy trên Galápagos, bao gồm cả cự đà và rùa, được cho là đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của Thuyết tiến hóa của Charles Darwin.