Một số người chào nhau bằng cách bắt tay. Một số khác lại ôm nhau. Một số chạm mũi để chào nhau, và đôi khi hôn vào má. Nhưng bây giờ, khi đại dịch Covid-19 lan ra toàn cầu, người ta đang phải xem xét lại cách ta vẫn chào nhau mỗi ngày.

Phương Duy 06:00 12/07/2020

Đó chính xác là điều mà Bộ trưởng Nội vụ của Đức vừa làm khi ông từ chối bắt tay thủ tướng của mình là bà Angela Merkel.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra một số biện pháp bảo vệ để tránh lây truyền coronavirus. Các biện pháp này bao gồm thường xuyên rửa tay thật kỹ, giữ khoảng cách trong các giao tiếp xã hội (đứng cách xa ít nhất 1 mét từ người có triệu chứng ốm, sốt, ho) và hạn chế chạm tay vào mắt, mũi, miệng của bạn.

Một số nước còn gợi ý cụ thể hơn để phù hợp với nền văn hóa của mình. Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) vào ngày 31/01 vừa qua đã kêu gọi công dân hạn chế chào nhau bằng cách chạm mũi – một cách chào nhau truyền thống của đàn ông ở Bán đảo Ả rập.

Ở Ai Cập, một đất nước nổi tiếng với tính hài hước trong thế giới Ả Rập, có một câu nói đã xuất hiện: "مش هنسلم، مش هنبوس، مش هننشر الفىيروس" ("Chúng ta không bắt tay, không hôn, sẽ không lo làm lây truyền virus"). Hôn má bỗng trở nên phổ biến hơn giữa những người đàn ông (hoặc giữa đàn ông với phụ nữ) ở nước này và toàn bộ thế giới Ả Rập.

Tại Iran, nơi sự bùng phát của dịch đã giết chết số người nhiều nhất thế giới ngoài Trung Quốc, một video trên mạng xã hội cho thấy những người đàn ông đeo khẩu trang chào nhau bằng cách chạm bàn chân vào nhau để tránh những tiếp xúc không cần thiết. Các quan chức cũng kêu gọi mọi người không hôn cột tại các thánh đường hoặc nơi thờ tự, mặc dù một số người cuồng tín vẫn bỏ ngoài tai những lời cảnh báo.

Ở nhiều nơi tại Châu Âu, việc người ta chào nhau bằng cách hôn vào má cũng khá phổ biến. Bộ trưởng Y tế của Pháp gần đây đã cảnh báo người dân không nên thực hiện kiểu chào nhau bằng cách hôn vào 2 má (la bise). Bộ trưởng Y tế của Thụy Sĩ cũng đề nghị tất cả các nước cùng bỏ đi cách hành xử văn hóa này trong hoàn cảnh hiện tại.

Cả bắt tay và ôm hôn đều được áp dụng rộng rãi tại Châu Á, gồm cả Indonesia, đất nước đông dân thứ 4 trên thế giới. Chính quyền nước này đang đề xuất kiểu chào nhau theo kiểu chắp 2 tay trước ngực (gọi là namaste). Đất nước Singapore gần đó cũng đang phổ biến những thông báo khuyến khích người ta vẫy tay, chạm khuỷu tay hay dùng kiểu chào namaste để thay thế cho việc hôn và bắt tay.

Theo Đinh Vân/Tổ Quốc