Thấy con gái viện cớ mắc vệ sinh để trốn làm bài tập, bà mẹ đã nghĩ ra chiêu "quái đản" này.
Dù bố mẹ có thể thoăn thoắt hoàn thành hàng trăm deadline nơi công sở nhưng khi về đến nhà và xem con học bài, tưởng đơn giản nhưng stress hơn việc đi làm rất nhiều. Bởi lẽ con trẻ đang còn tuổi ham chơi, chưa có tính tự giác cao nên rất khó để trẻ yên vị và hoàn thành các bài tập giáo viên giao. Đủ mọi cách được phụ huynh nghĩ ra từ răn đe đến dỗ ngọt nhưng kết quả nhận về đôi khi không mấy khả quan.
Một phụ huynh tại >Trung Quốc rất đau đầu mỗi khi con gái của mình có bài tập về nhà. Hằng ngày chị đều kiểm tra xem con có nhiệm vụ gì được cô giao hay không. Nếu có thì chị đều yêu cầu con ngồi vào bàn học hoàn thành nó trước khi thư giãn, xem ti vi hay đi ngủ. Ban đầu, cô bé có vẻ gật đầu lia lịa và nghe lời mẹ. Nhưng chỉ chưa đầy 5 phút, cô nàng đã đỏng đảnh than đói, than mắc vệ sinh rồi lại bảo khát nước. Thế nên 2 tiếng đồng hồ trang vở của cô bé chỉ viết được ba dòng.
Một hôm, vì quá mệt mỏi với những lời than vãn của con gái để tránh làm bài tập nên người mẹ này nghĩ ra một chiêu hết sức "kỳ dị". Chị đã chuyển bàn học của con gái vào hẳn trong nhà vệ sinh, bắt con ngồi lên bệ xí để làm bài tập phòng con lại dở chứng bảo muốn đi toilet.
Chưa hết, người mẹ còn mang theo cả một bình nước 20 lít và mang cả bánh bao hấp vào để... phục vụ con nếu con than đói và than khát. Như vậy cô bé chẳng còn lý do gì nữa mà rời khỏi bàn học.
Sau khi những hình ảnh này được lan truyền trên mạng, một số ý kiến cho rằng bà mẹ quá sáng tạo và thông minh. Cách làm này sẽ khiến cô bé chẳng còn lý do gì nữa mà đòi hỏi vì xung quanh đã có đủ thứ mà em muốn. Nhưng cũng không ít người đưa ra quan điểm cách làm này có phần phản giáo dục và quá gò ép cô bé đang tuổi tiểu học.
Không thể phủ nhận trẻ con chẳng mặn mà với việc làm bài tập về nhà vì còn tuổi ăn, tuổi chơi. Nhưng đó chỉ là nguyên nhân một chiều, nếu nhìn rộng ra thì nó còn nằm ở việc trẻ chưa tìm thấy cảm hứng và niềm vui khi học tập. Không thể một sớm một chiều để cha mẹ giải quyết ngay điều này mà cần phải có quá trình.
Chẳng hạn phụ huynh có thể đặt ra các mục tiêu học tập cho trẻ, tạo niềm vui để trẻ cảm thấy có động lực hoàn thành mục tiêu ấy. Bạn có thể minh họa bài tập bằng những hình ảnh, ví dụ trực quan, sinh động, giúp trẻ cảm thấy những nhiệm vụ cô giao không phải là "bài tập về nhà" nữa mà là một trò vận động trí óc cần giải được.
Sau dần, chúng ta nên quan tâm vào rèn luyện tính tự giác cho trẻ từ những việc nhỏ để trẻ nhận ra việc học bài, làm bài cũng cần phải tự giác như thế. Đừng quá khắt khe và ép buộc trẻ bằng những biện pháp phản giáo dục vì nó có thể gây ra hiệu quả ngược.