15 năm sau khi bức ảnh được chụp, người ta đã tìm được câu trả lời cho bóng dáng thiếu nữ 14 tuổi trong đó.
Bức ảnh này từng được sử dụng như một bằng chứng đặc biệt để chứng tỏ sự tồn tại của ma quỷ. Trong đó, một tòa thị chính đã bốc cháy và bóng dáng của một cô gái đứng giữa biển lửa đã lọt vào ống kính máy chụp ảnh. Từ đó, bức ảnh này luôn khiến người ta sởn tóc gáy mỗi khi nhìn thấy.
Được biết, bức ảnh này được chụp bởi Tony O'Rahilly, một công nhân nông trại nước thải đồng thời là nhiếp ảnh gia lành nghề. Thời điểm đó, anh đang đứng cùng một đám đông bên đường chứng kiến tòa nhà 90 năm tuổi chìm trong biển lửa ở Wem, Shropshire, Anh, hồi tháng 11/1995. Từ đó, huyền thoại về hồn ma thị trấn Wem ra đời.
Tuy nhiên, 15 năm sau, một người đàn ông đã lên tiếng thể hiện những nghi ngờ về bức ảnh. Brian Lear, 77 tuổi, cho biết hồn ma trông giống một cô gái đang đứng lấp ló ở khu vực cửa ra vào thực chất đã xuất hiện trong một tấm bưu thiếp từ năm 1922.
Ông Brian là một kỹ sư đã về hưu ở Shrewbury, nhận ra hình ảnh từng được lưu hành trong quá khứ được sản xuất trở lại vào đầu tháng 5/2010 và được đăng trên tờ báo địa phương như một dịp kỷ niệm.
"Tôi đã vô cùng bất ngờ khi nhận ra sự giống nhau đến khó tin giữa cô gái trong tấm bưu thiếp với hồn ma thị trấn Wem nổi tiếng, từ chiếc váy, nón bonnet đến chiếc nơ bản to" - ông Brian cho biết.
Trong quá khứ vào năm 1995, bức ảnh hồn ma thị trấn Wem từng nhận được sự chú ý trên khắp thế giới. Nhiều người dân địa phương thậm chí còn đưa ra giả thiết rằng cô gái trong đó là thiếu nữ Jane Churm, 14 tuổi, đã vô tình phóng hỏa ngôi nhà mình ở Wem vào năm 1677. Từ đó, Jane trở thành hồn ma không rời khỏi nơi đây. Nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn năm 1995 vẫn là bí ẩn.
Năm 2005, chủ nhân của bức ảnh hồn ma nổi tiếng, ông Tony, qua đời sau khi lên cơn đau tim đột ngột. Ủy viên hội đồng địa phương, Peggy Carson, cho biết bà tin rằng nguyên nhân cái chết của ông Tony có thể có liên quan với căng thẳng đến từ sự hứng thú của ông về bức ảnh kia.
Nhà sử học địa phương, Tom Edwards, cho biết ông Tony luôn nhất mực tin rằng bức ảnh hồn ma kia là thật và thậm chí bản thân Tom cũng từng đồng tình với ông.
Các chuyên gia nhiếp ảnh không loại trừ khả năng bức ảnh hồn ma kia có được là do ánh sáng phát ra từ ngọn lửa.
Tuy nhiên, Greg Hobson, người phụ trách hình ảnh tại Bảo tàng Truyền thông Quốc gia ở Bradford, tin rằng bức ảnh không khác gì một trò lừa bịp của những kẻ thích đùa và giờ đây, bí ẩn về cô gái trong ảnh đã tìm được câu trả lời.
Ngoài ra, theo ông, kỹ thuật chụp ảnh này rất giống với trào lưu chụp ảnh của người dân Anh thời Edwardian từ năm 1901 đến năm 1910, nơi con người thực hiện những album ảnh chụp người thân đã khuất. Theo đó, nhiếp ảnh gia sẽ sử dụng bức ảnh người chết do gia đình cung cấp trước khi tiến hành chụp lại bức ảnh đó, tạo ra những album ảnh chụp người quá cố đặc biệt nhưng cũng không kém phần rùng rợn.