Từ khi chào đời, cô gái trẻ không có tử cung và âm đạo nên không thể sinh con. Thế nhưng ở tuổi 26, cô bất ngờ sinh được một đứa con trai, thỏa mãn ước mơ làm mẹ.
Từ khi sinh ra, Yang Hua (26 tuổi) đã mắc phải hội chứng Mayer-Rokitansky-Kuster-Hauser (MRKH) nên không có tử cung và âm đạo.
Từ trước đến nay, cô chưa từng có kinh nguyệt. Mãi đến năm 2015, các bác sĩ tại bệnh viện ở Thiểm Tây (Trung Quốc) mới phát hiện trường hợp này.
Tại đây, các bác sĩ cho biết nếu cô muốn có con thì phải >cấy ghép tử cung. Gia đình không muốn nhờ người mang thai hộ vì điều này bị pháp luật Trung Quốc ngăn cấm.
Để thỏa mãn ước mơ làm mẹ của con gái, mẹ cô (43 tuổi) đã đồng ý hiến tặng tử cung của mình.
Vào ngày 20/11/2015, một nhóm bác sĩ gần 40 người đã tiến hành cuộc phẫu thuật cấy ghép tử cung kéo dài trong 14 giờ và đã thành công tốt đẹp.
Đến tháng 6/2018, sau 3 năm chờ đợi cô gái trẻ đã mang thai thành công vào lần cấy phôi lần thứ 5. Tổng cộng có 14 phôi thai đã được chuẩn bị vào năm 2015 từ trứng của Yang Hua được đông lạnh trước khi cấy ghép tử cung và tinh trùng của người hiến tặng.
Sau 33 tuần 6 ngày mang thai, vào ngày 20/1 cô đã sinh thành công đứa con trai đầu lòng.
Theo thông tin từ Daily Mail, đứa bé nặng 2kg, >sức khỏe tốt. Đây là em bé đầu tiên ở Trung Quốc được sinh ra từ tử cung cấy ghép và là em bé thứ 14 chào đời bằng phương pháp này trên thế giới.
Nghe tin cháu ngoại chào đời, mẹ của Yang Hua xúc động: “Dù cho có mất mạng, tôi cũng muốn con gái mình có một cơ thể hoàn chỉnh”.
Ca sinh thành công của Yang Hua là một bước đột phá trong lịch sử y học Trung Quốc. Nó cũng đã mở ra hy vọng mới cho rất nhiều phụ nữ bị vô sinh vì rối loạn chức năng tử cung ở Trung Quốc.