Không phải tất cả các mối quan hệ ngoài hôn nhân đều là vì tình dục. Một số người đàn ông Trung Quốc vẫn muốn có vợ bé hoặc nhân tình vì những lý do liên quan đến cảm xúc hơn là thể xác.
Bài viết được đăng tải trên Sixthtone do nhà xã hội học Xiao Suowei, phó giáo sư xã hội học Đại học Sư phạm Bắc Kinh nghiên cứu về những người phụ nữ chọn con đường trở thành vợ bé của những người đàn ông đã có vợ.
Để bảo vệ danh tính của các đối tượng nghiên cứu, giáo sư Xiao đã đặt cho họ biệt danh riêng.
Muôn hình vạn trạng của "thế giới vợ bé"
Ah Fei - một cô vợ bé đang sống cùng chồng là Ah Dong, một quản lý công ty xây dựng ở thành phố Quảng Châu, >Trung Quốc. Cô đã chấp nhận cuộc sống nhân tình bên người đàn ông mà mình yêu thương, và chấp nhận những lúc anh không bên cạnh để về với gia đình chính của mình.
“Chúng tôi không làm gì cả, chúng tôi chỉ trò chuyện, anh ấy chỉ âu yếm tôi một chút rồi thôi”, Ah Fei đã tâm sự rằng lâu rồi họ không quan hệ tình dục.
Ah Fei được biết đến như là một ernai (二奶, tạm dịch là bà hai, vợ bé). Đây là một thuật ngữ mà người Trung Quốc dùng để nói đến người phụ nữ liên quan đến mối quan hệ phụ thuộc tài chính với người đàn ông đã có vợ.
Mặc dù người Trung Quốc thường cho rằng, lý do chính khiến người đàn ông có vợ bé là vì tình dục, nhưng vẫn có những cặp đôi không thường xuyên quan hệ tình dục, họ chỉ đến bên nhau vì cảm xúc.
Thay vào đó, những người đàn ông tự đánh giá những cô vợ bé có thể vì họ mà trở nên dịu dàng, quyến rũ hơn để đáp ứng nhu cầu tình cảm của họ.
Để hiểu rõ hơn những gì ẩn sau hiện tượng này, giáo sư Xiao đã phỏng vấn 16 cô vợ bé hoặc người đã từng là vợ bé, cũng như 7 người đàn ông có liên quan đến những mối quan hệ này tại Quảng Châu và thành phố phía Đông Ninh Ba giữa năm 2005 và 2007.
Giáo sư Xiao cho rằng, việc giữ mối quan hệ với cô vợ bé không có liên quan nhiều đến tình dục. Cụ thể, những người vợ bé có khả năng giúp cánh đàn ông thể hiện sự nam tính của mình, trau dồi tình cảm và hình ảnh trong xã hội.
Trong 40 năm kể từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách thị trường, các mối quan hệ thân mật và gia đình đã trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ. Trong thời đại ngày nay, phụ nữ đã có thể ra ngoài làm việc và đóng vai trò quan trọng trong gia đình không kém cạnh gì những người đàn ông, vợ và chồng đều có vai trò như nhau trong việc xây dựng gia đình và kinh tế.
Tuy nhiên, trước đó, cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80, mọi người đã từng chứng kiến sự tái lập các chuẩn mực hôn nhân và giới tính một cách bảo thủ. Trong đó, người đàn ông đóng vai trò chính, làm việc và kiếm tiền để nuôi sống gia đình, và người phụ nữ lại nhận nhiệm vụ chăm sóc gia đình.
Đồng thời, những người thành thị thuộc tầng lớp trung lưu và lao động càng thấy mình thua kém khi xã hội đang có khoảng cách giàu nghèo khá lớn.
Mặc dù, đàn ông có thể che lấp điều này bằng cách mong muốn vợ mình phục tùng, chăm sóc để cảm thấy mình có giá trị nhưng trên thực tế điều này không khả thi ở Trung Quốc ngày nay, vì phụ nữ bắt đầu nắm quyền lực kinh tế nhiều hơn và bắt đầu mong muốn chồng mình đóng góp nhiều hơn.
Ah Cai, một nhân viên bán hàng 40 tuổi, làm việc cho một công ty nhà nước ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Công việc của anh đòi hỏi phải làm việc từ 10 đến 15 ngày/tháng ở Quảng Châu. Và thời gian này anh đã sống với vợ bé là Ah Run.
Dù cả hai chỉ sống trong một căn hộ tồi tàn nhưng Ah Run vẫn giữ được sự gọn gàng ngăn nắp. Khi sống chung, Ah Run có thể chuẩn bị từng bữa sáng cho Ah Cai, dọn phòng, giặt giũ và nấu những món mà anh yêu thích.
Ah Cai trả tiền thuê nhà và chi trả toàn bộ chi phí cho Ah Run khi họ ở cùng nhau. Anh cũng gửi thêm cho cô 800 nhân dân tệ (khoảng 2,6 triệu đồng) mỗi tháng. Khi trở về nhà ở Chiết Giang, Ah Cai cũng là trụ cột của gia đình. Vợ anh là một kế toán kiếm được tiền tương đương với anh.
Khi Ah Cai đi công tác, cô phải loay hoay với công việc và >chăm sóc con cái. Vì vậy, khi Ah Cai đi công tác về, anh phải nhận phần chia sẻ việc như nấu ăn, dọn dẹp. Tình hình này khác với khi ở bên Ah Run, Ah Cai chỉ cần ngồi đó, tận hưởng sự chăm sóc của cô.
Sự khác biệt tiêu chí chọn vợ bé, người tình của đàn ông trung lưu và thượng lưu
Có một sự khác biệt đáng chú ý về phẩm chất của những người đàn ông thuộc tầng lớp thấp hơn và những người đàn ông giàu có khi họ cùng tìm kiếm vợ bé.
Đối với những người đàn ông thuộc tầng lớp lao động và trung lưu như Ah Cai, mối quan tâm hàng đầu của họ thường là đòi lại vai trò thống trị truyền thống trong gia đình. Do đó, những cô vợ bé của họ thường tập trung vào việc chăm sóc bạn tình và mang đến cho họ sự thoải mái và hỗ trợ về mặt cảm xúc.
Những cô vợ bé chỉ cần ngoan ngoãn, lặng lẽ vun đắp tình cảm, giúp họ củng cố và nâng cao ý thức về giá trị bản thân cũng như nhân phẩm thì những người phụ nữ ấy sẽ được chu cấp như những gì họ muốn.
Nếu như trong mắt những người đàn ông trung lưu, vợ bé chỉ để bù đắp về tinh thần thì đối với những người đàn ông giàu có, thượng lưu thì vợ bé được xem là bộ mặt mới của họ.
Do đó, những cô vợ bé của các doanh nhân thường không dành nhiều thời gian cho công việc nhà và thay vào đó họ sẽ phải trở thành đối tác giúp người tình nở mặt, xác nhận quyền lực và khẳng định sự quyến rũ của những người đàn ông.
Được biết, một cô vợ bé của doanh nhân có thể kiếm được từ 5000 đến 10.000 nhân dân tệ (từ 16 - 30 triệu đồng) mỗi tháng. Là một phần trong nhiệm vụ, những cô vợ bé sẽ hộ tống chồng mình đến các sự kiện xã hội, hoặc hộp đêm và các địa điểm >giải trí khác.
Trên thực tế, những người vợ chính thức hiếm khi được chào đón trong những dịp như thế. Chẳng hạn như trường hợp của Ah Fei, cô đã từng cùng Ah Dong chơi mạt chược với bạn bè từ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau trong 2 tuần liên tiếp. Mỗi lần Ah Fei phàn nàn Ah Dong không dành nhiều thời gian cho cô ấy, Ah Dong sẽ hét vào mặt: “Cô im đi, cô tưởng cô còn trong trắng sao? Sao dám phàn nàn về cách đối xử của tôi".
Dù câu nói của Ah Dong khiến cô đau lòng nhưng không dám nói gì. Ah Fei luôn tự an ủi rằng anh ta bị căng thẳng trong công việc nên mới bực mình. Quan trọng hơn, cô biết rằng, nếu như càng làm căng sẽ khiến mọi việc thêm tồi tệ và anh ta có thể ngừng cung cấp tiền cho cô. Không chỉ Ah Fei mà rất nhiều phụ nữ phải chịu đựng cảnh mắng nhiếc vì sợ sẽ không được chu cấp lâu dài.
Mặc dù bị lạm dụng như thế, nhưng một số người vẫn xem đây là sự lựa chọn tốt nhất. Người chồng thật sự của Ah Run đã bỏ rơi cô, khiến cô chìm sâu trong nợ nần, và may mắn cô gặp được Ah Cai nên cuộc sống mới ổn định hơn.
Việc chăm sóc Ah Cai, người mà Ah Run xem là người chồng lý tưởng so với bạn đời thực sự của mình, đã khiến cô hạnh phúc. Điều này đã giúp Ah Run thực hiện được ước mơ về cuộc hôn nhân viên mãn mà cô ấp ủ, đó là sống cùng một người đàn ông kiếm được tiền và cô được là người phụ nữ cống hiến hết mình cho việc chăm sóc gia đình.
Xem người đàn ông như một nơi trú ẩn tạm thời
Bên cạnh những cô vợ bé sống vì vật chất như Ah Run thì cũng có những người chỉ cần tình cảm. Đó là Ah Fang.
Vào năm 2006, Ah Fang 26 tuổi từ một vùng quê nghèo ở tỉnh Quý Châu đã khăn gói đến Quảng Châu sinh sống và làm việc. Bạn trai của Ah Fang là Ah Jian, một doanh nhân 40 tuổi đến từ Triều Châu, anh có vợ và 3 con.
“Tôi không biết tại sao tôi lại ở bên anh ấy, anh ấy không giàu cũng không có quyền lực, chỉ đơn giản là tôi yêu anh ấy”, Ah Fang nói về nhân tình của mình. Khi những người phụ nữ khác tìm đến những người đàn ông có vợ để chu cấp tài chính thì Ah Fang lại xem đây như là một nơi để dựa dẫm vì mình thân gái dặm trường đến thành thị sinh sống. Ah Fang đơn giản chỉ cần một nơi nương tựa, cần sự sẻ chia cảm xúc nên đã bất chấp ở bên Ah Jian.
Giống như Ah Fang, nhiều phụ nữ ở tỉnh lẻ coi vai trò tình nhân của họ như một nơi trú ẩn tạm thời để thoát khỏi sự vất vả trong cuộc sống di cư. Là người di cư, họ thường xuyên bị người dân địa phương coi thường và thậm chí còn gặp phải những tình huống quấy rối. Nếu như có thể trở thành vợ bé của những người đàn ông thành thị thì cũng có thể giúp họ củng cố vị trí trong xã hội này.