Trong các khu cách ly tại Italia, các cụ già neo đơn được mua sắm những đồ vật lặt vặt hàng ngày, được trò chuyện và sẻ chia hàng ngày bởi nhóm bạn trẻ tình nguyện.
Đó là những cụ già đã sống trong các tòa nhà được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước. Họ lang thang đến những quán rượu địa phương, ngồi đọc báo trên băng ghế ở khu vực dành cho người đi bộ. Khi >Covid-19 bắt đầu lây lan từ phía bắc >Italia đến phần còn lại của đất nước, họ là những người đầu tiên biến mất khi chính phủ khuyên người già nên ở trong nhà.
Đó còn là những nghệ sĩ trẻ, sáng tạo, làm nghề tự do thường tụ tập ở những quán cafe, quán bar đông đúc. Lúc đầu, họ cố gắng hòa nhập với cuộc sống bình thường cho đến khi có lệnh tạm đóng cửa các cửa hàng và dịch vụ.
Dù Covid-19 khiến con người ta phải giữ khoảng cách với nhau về thể chất nhưng lại đưa người ta gần nhau hơn về mặt tình cảm. Những người trẻ tuổi từ 25 đến 30 từ một hiệp hội văn hóa địa phương tên là “Sparwasser” đã thiết lập một sáng kiến để giúp đỡ những người già - những người đang tuân theo các quy tắc tự cách ly nghiêm ngặt nhất. Tình nguyên viên sẽ đi chợ và mua sắm những đồ lặt vặt cho những cụ già neo đơn.
Diana Armento, 30 tuổi, một trong những điều phối viên của dự án cho biết: “Chỉ trong ba ngày, hơn 200 người đã đăng ký làm tình nguyện viên”.
Công việc của họ là giúp đỡ những người già sống tại khu mình đang ở, theo dõi các trường hợp lây nhiễm và đảm bảo rằng tình nguyện viên không phải đi quá xa để mua sắm.
"Chúng tôi cũng cố gắng duy trì thói quen của người già bằng cách đi đến siêu thị họ yêu thích hoặc hỏi họ xem họ thích nhãn hiệu nào", Diana nói. Khi mua xong, họ sẽ để túi đồ trước cửa nhà.
Diana chia sẻ: “Rất nhiều người muốn nhìn thấy mặt và ôm tình nguyện viên những không thể. Thay vào đó họ ra ban công nói vọng xuống”.
Tất cả những tình nguyện viên đều hiểu người già thường muốn được giao tiếp. Diana nói: “Qua điện thoại, bạn có thể cảm nhận được họ thực sự cần nói chuyện. Họ dành cả ngày trước tivi và họ sợ hãi, họ không tin những gì đang xảy ra. Tôi biết một người phụ nữ lớn tuổi dành cả ngày để cầu nguyện vì cô ấy nghĩ rằng đó là một hình phạt từ Thiên Chúa”.
Từ khi “Sparwasser” được thành lập, rất nhiều tổ chức khác ở Rome cũng thiết lập các dự án tương tự.
Alberto Campailla, người đứng đầu một tổ chức hỗ trợ người nghèo cho biết: “Số lượng người già cần sự giúp đỡ rất lớn nhưng chính quyền địa phương không thể đáp ứng thỏa đáng".
Các tình nguyện viên hiện đang cung cấp thực phẩm ở Ciampino, ngoại ô Rome, trong khi hiệp hội đang tìm ra cách để phân phối thực phẩm của mình qua việc giao hàng tại nhà. Một số chính quyền địa phương ở thủ đô đã mở các đường dây trợ giúp qua điện thoại và các nhóm Facebook nơi công dân có thể tìm thấy các sáng kiến và thông tin địa phương có liên quan.
"Có một ý thức mạnh mẽ của cộng đồng ở đây", Gianfilippo Mignogna, thị trưởng của thị trấn Biccari nói. "Mỗi cuộc gặp gỡ là một dịp để chào hỏi. Khi lệnh phong tỏa được ban hành, thị trấn dần mất kết nối”.
Đường dây nóng tại thị trấn đã được tạo ra để giúp đỡ người già trong việc đi mua tạp hóa, thuốc men,… Mặc dù chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào nhưng họ vẫn lo ngại về những gì có thể xảy ra ở đây.Bệnh viện gần nhất cách thị trấn tới 30km và hệ thống chăm sóc >sức khỏe ở miền nam Italia không hiệu quả như ở miền bắc.
Ở San Leo, một trong những khu vực bị ảnh hưởng xấu nhất bởi Covid-19, sự đoàn kết trong một cộng đồng rất gần gũi giúp người già vượt qua những ngày cách ly và giúp họ yên tâm rằng, bất kể lúc nào cũng sẽ có người sẵn sàng giúp đỡ họ.