Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố rằng dữ liệu về khả năng lây nhiễm của biến thể mới này sẽ có trong vòng vài ngày tới.
Theo chia sẻ thông tin từ Reuters, vào ngày 1/12, biến thể Omicron đang nhanh chóng trở thành biến thể chiếm đa số ca nhiễm mới ở >Nam Phi chỉ chưa đầy bốn tuần sau khi được phát hiện lần đầu tiên ở quốc gia này. Theo đó, số ca nhiễm mới được ghi nhận ở quốc gia này đã tăng gấp đôi chỉ từ ngày 30/11 sang ngày 1/12.
Theo báo cáo của Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm của Nam Phi (NICD), 74% tổng bộ gene virus trong số các bệnh nhân nhiễm bệnh mà cơ quan này giải mã vào tháng trước là của biến thể Omicron.
Biến thể này lần đầu tiên được tìm thấy trong một mẫu xét nghiệm được lấy vào ngày 8/11 ở Gauteng, tỉnh đông dân nhất của Nam Phi. NICD dẫn chứng dữ liệu dịch tễ học ban đầu cho thấy >biến thể Omicron có thể tránh được kháng thể từ vaccine, song các loại vaccine hiện hành vẫn có thể bảo vệ con người khỏi nguy cơ bị các triệu chứng nặng hoặc tử vong.
Cùng ngày, bà Maria Van Kerkhove, Giám đốc kỹ thuật chương trình ứng phó khẩn cấp COVID-19 của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) tuyên bố rằng dữ liệu về khả năng lây nhiễm của biến thể mới này sẽ có trong vòng vài ngày tới.
Ngoài ra, sự xuất hiện của Omicron cũng như thông tin cho rằng biến thể này có thể dễ lây lan hơn các biến thể trước đó đã gây sự hỗn loạn toàn cầu khi các quốc gia lần lượt áp đặt lệnh hạn chế đi lại với các nước châu Phi. Đồng thời, biến thể mới còn khiến thị trường tài chính khắp nơi chao đảo và làm dấy lên nỗi lo ngại rằng biến thể Omicron, cũng như các biện pháp phòng chống biến thể này, có thể cản trở sự phục hồi của nền kinh tế thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt tên cho biến thể SARS-CoV-2 mới là Omicron và phân loại là biến thể đáng lo ngại. Tuy nhiên, một số chuyên gia hy vọng rằng vaccine vẫn sẽ hiệu quả trong việc ngăn ngừa tình trạng bệnh nặng và tử vong. Họ cũng khuyến khích mọi người nên đi tiêm chủng.