Các bác sĩ Brazil đã "trình làng" những hình ảnh về bé gái đầu tiên trên thế giới ra đời khỏe mạnh từ chiếc tử cung hiến tặng của một "người mẹ ma", đã mất từ trước khi bé thành hình.
Cô bé sơ sinh được lấy ra bằng phương pháp mổ lấy thai khi mới 35 tuần và 3 ngày nằm trong bụng mẹ, cân nặng 2,55 kg, được xác nhận là "không biến chứng".
Theo các bác sĩ, có thể sử dụng thành công phần tạng ghép từ người chết là bước tiến rất lớn. Bởi rất khó khăn để có được tử cung hiến tặng từ một người sống. Để đạt được thành công này, họ đã phải chịu thất bại liên tục 10 lần trước đó.
Những hình ảnh đầu tiên về bé sơ sinh kỳ diệu và chi tiết ca cấy ghép – sinh nở đã được các bác sĩ công bố trong một bài viết vừa đăng tải trên tạp chí khoa học danh tiếng The Lancet. Tiến sĩ Dani Ejzenberg, đến từ Bệnh viện Đại học Sao Paulo (Brazil), người đứng đầu nghiên cứu cho biết mẹ ruột của cô bé đã được cấy ghép tử cung vì bị vô sinh do hội chứng Mayer-Rokitansky-Küster-Hauser, khiến cô không có tử cung. Ca cấy ghép tiến hành khi cô tròn 32 tuổi.
"Người mẹ ma", tức người hiến tặng tử cung là một phụ nữ 45 tuổi giấu tên, đã qua đời vì đột quỵ trước đó. Chiếc tử cung đã phải tự tồn tại mà không có nguồn cung cấp oxy trong suốt 8 giờ, nhưng thật bất ngờ rằng nó vẫn có thể giúp người phụ nữ nhận tạng làm mẹ một lần nữa.
5 tháng sau ca ghép tử cung, nhóm nghiên cứu nhận thấy tử cung không có dấu hiệu thải ghép, kết quả siêu âm cho thấy nó sống trong cơ thể người nhận tốt, cô đã bắt đầu có kinh nguyệt đều đặn. Trứng đã được thụ tinh và đông lạnh trước đó của người phụ nữ nhận tử cung đã được cấy vào cơ thể cô 7 tháng sau khi ghép tạng. 10 ngày sau đó, cô được xác nhận là mang thai thành công.
Các bác sĩ đã chờ đợi một thời gian để xem cô bé có thực sự khỏe mạnh không trước khi công bố. Hiện tại, ngay thời điểm công bố, bé gái đã được 7 tháng 20 ngày, nặng 7,2kg.
Theo tiến sĩ Tiến sĩ Dani Ejzenberg, thành công này là một cột mốc y tế lớn, mở rộng cơ hội cho các phụ nữ vô sinh bởi việc tìm kiếm một người sống hiến tặng tử cung là vô cùng khó khăn, thường chỉ là các thành viên gia đình hoặc bạn bè cực kỳ thân thiết hiến cho nhau.
Trước đó, trên thế giới đã có 39 ca được cấy ghép tử cung từ người hiến tặng còn sống và 11 em bé đã ra đời thành công từ dạng cấy ghép này.