Ngồi tù ở tuổi 53, sau khi ra tù, một lần nữa bà khởi nghiệp thành công ở tuổi 71, người phụ nữ sở hữu khối tài sản khổng lồ ở tuổi 82.
Mới đây, một câu chuyện truyền cảm hứng được đăng tải trên Toutiao và nhận được sự quan tâm đặc biệt của >cộng đồng mạng xứ Trung. Vào những năm 1980, khi mới ngoài 40 tuổi người phụ nữ tên Ngô Thắng Minh đã có khối tài sản ròng vài chục triệu nhân dân tệ. Nếu khi đó có danh sách những người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc thì bà đã là một trong những người đứng đầu. Tuy nhiên, sau đó bà Ngô đã mắc phải sai lầm và bị bắt vì tội >buôn lậu ở tuổi 53. Bà đối diện với án tù chung thân và sau đó được giảm án 9 lần. Bà ngồi tù 17 năm, khi ra tù bà Ngô đã 71 tuổi.
Trong lúc ngồi tù, bà Ngô đã gặp phải hai điều khiến bà đau khổ nhất. Việc đầu tiên là ly hôn. Sau khi bà Ngô vào tù, chồng bà không muốn tiếp tục chờ đợi nên đã đề nghị ly hôn. Sự việc này là một đòn giáng mạnh vào bà nhưng bản thân bà Ngô cũng hiểu rằng, mình sẽ phải ngồi tù suốt quãng đời còn lại nên không thể đòi hỏi gì hơn ở chồng. Việc thứ hai khiến bà đau khổ hơn nhiều lần đó chính là cái chết của cô con gái khi mới 16 tuổi. Lúc đầu bà Ngô không biết nguyên nhân khiến cô bé tự tử, nhưng sau đó những người đến thăm tiết lộ một số chuyện, bà dần hiểu ra nguyên nhân khiến con gái qua đời.
Khi mới vào tù, lý do duy nhất khiến bà Ngô tồn tại và nỗ lực cải tạo để sớm được ra tù chính là cô con gái. Lúc này, con gái bà chưa biết mẹ đi tù, gia đình nói dối cô bé rằng mẹ đang đi công tác xa. Cho đến khi 16 tuổi, một người bạn học vô tình tiết lộ sự thật, lúc này cô bé mới nhận ra mẹ mình là tù nhân, bị nhốt trong nhà lao, có thể sẽ không bao giờ được tự do nữa. Cô con gái đột nhiên ngã xuống, cô cảm thấy ánh mắt của mọi người thay đổi khi họ nhìn cô. Cô bé không còn tự tin đối mặt với thế giới này nữa nên chọn cách tự tử. Vì không muốn mẹ biết sự thật nên cô bé đã viết hai lá thư.
Lá thư thứ nhất cô bé viết cho mẹ, cô bé nói rằng mình có hai điều ước. Mong ước đầu tiên là mở một viện dưỡng lão để giúp đỡ những người lớn tuổi sau khi mãn hạn tù. Nguyên nhân cũng là vì mẹ cô, vì cô bé nghĩ rằng khi mẹ được ra tù chắc mẹ cũng đã già lắm rồi, cuộc sống sẽ rất vất vả. Mong ước thứ hai của cô con gái là giúp đỡ những đứa trẻ giống như cô, vì cha mẹ đang ở trong tù nên họ bị những người xung quanh phân biệt đối xử.
Lá thư thứ hai cô bé viết cho người bạn thân nhất của mình. Cô nhờ người bạn mỗi tháng đều lấy danh nghĩa của bản thân để viết cho người mẹ trong tù một lá thư. Như vậy mẹ cô sẽ nghĩ rằng cô chưa chết.
Vậy nhưng, nét chữ của cô con gái và người bạn thân khác nhau, nhận được thư của con bà Ngô cảm thấy vô cùng bối rối. Khi chồng cũ đến thăm, ông đã nói thật với bà Ngô rằng con gái đã qua đời. Nghe tin này, bà thực sự muốn chết, bà cảm thấy cuộc sống không còn hy vọng gì nữa. Tuy nhiên, sau khi đọc được lá thư đầu tiên của con gái, bà Ngô đã suy nghĩ lại, bà tiếp tục kiên trì và điều đó đã tạo ra >điều kỳ tích.
Khi ra tù bà Ngô đã 71 tuổi và không có người thân. Nhà tù đã liên lạc và sắp xếp cho bà Ngô một căn nhà kho nhỏ cạnh nhà vệ sinh. Thời gian đầu, bà Ngô chịu trách nhiệm dọn dẹp nhà vệ sinh. Vì làm việc chăm chỉ và dọn dẹp sạch sẽ nên bà nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Sự việc này cũng giúp bà tự tin hơn với quyết định một lần nữa khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở độ tuổi ngoài 70. Nhờ được hỗ trợ từ chính quyền, bà Ngô khởi nghiệp thành công. Ở tuổi 82, bà sở hữu khối tài sản ròng có giá trị vài chục triệu nhân dân tệ và đang làm giám đốc một viện dưỡng lão.
Theo lẽ thường, một người bị giam đến năm 71 tuổi, sau khi ra tù sẽ không bận tâm đến những việc khác và chỉ mong muốn được chăm sóc. Vậy nhưng, người phụ nữ này vẫn lựa chọn cho mình một lối đi riêng để nâng cao giá trị của bản thân và giúp đỡ được nhiều người hơn nữa. Cuộc sống như vậy mới là cuộc sống có ý nghĩa.