Rẻ hơn, dễ sử dụng hơn và hiệu quả đáng gờm, loại thuốc này nhen nhóm hy vọng trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới khan vaccine hoặc tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao.

Thanh Thủy (TH) 08:30 04/10/2021

Hãng dược Mỹ Merck đã sẵn sàng xin cấp phép cho loại thuốc được cho là thuốc kháng virus Covid-19 đầu tiên trên thế giới, công ty này tuyên bố mới đây.

Được đặt tên là Molnupiravir (theo tên chiếc búa của thần Thor - Mjölnir), loại thuốc này giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong tới 50% ở bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng từ nhẹ tới trung bình - so với giả dược, Merck cho hay. Kết quả khả quan tới mức các nhà quản lý đã cho phép ngừng thử nghiệm khi những số liệu cho thấy tính hiệu quả của Molnupiravir.

"Búa của thần Thor" giết "quái vật"

Molnupiravir là thuốc kháng virus có khả năng cản trở virus Covid-19 tái tạo trong cơ thể, ngăn ngừa gia tăng tải lượng virus và cuối cùng là chấm dứt lây nhiễm. Loại thuốc này cho thấy hiệu quả với tất cả các biến thể Covid-19 mà ta đã biết.

Liệu pháp chữa trị, gồm 5 ngày với mỗi ngày 4 viên con nhộng chia làm 2 lần, có thể sử dụng tại nhà. Nhờ vậy, Molnupiravir trở nên tiện dụng hơn nhiều so với một số liệu pháp chữa Covid-19 hiện có như kháng thể đơn dòng của Regeneron, và GlaxoSmithKline (GSK) với Vir Biotechnology - phương pháp cần nhập viện hoặc trung tâm y tế mới thực hiện được.

Thuốc điều trị Covid-19 của Regeneron. Ảnh: CNN

Vậy Molnupiravir hoạt động như thế nào?

Virus là những con quái vật mưu mẹo khó khống chế. Chúng giống như "ký sinh trùng thụ động" và không thể sinh sôi nếu không xâm chiếm được bộ máy của tế bào chủ.

Vì vậy, rất khó để điều chế được một loại thuốc có thể can thiệp vào vòng đời của virus mà không gây tổn hại ngoài dự kiến đối với các tế bào khỏe mạnh của con người. Và vì virus nhân bản quá nhanh nên một phương pháp điều trị có thể mất dần hiệu lực theo thời gian.

Cách thức hoạt động của Molnupiravir là gây ra những đột biến gene cản trở virus. Quan trọng là loại thuốc này có thể đánh lừa virus nhưng không đánh lừa được tế bào trong cơ thể người. Nhờ vậy, Molnupiravir có thể tác động tới mục tiêu virus trong khi gần như không gây ảnh hưởng cho tế bào.

Cứu tinh khi khan vaccine, nhiều ca bệnh?

Nếu được cấp phép, Molnupiravir có thể trở thành công cụ đa năng cho các bác sĩ chữa trị bệnh nhân Covid-19 và cứu được nhiều mạng sống. Mặc dù hiện nay trên thị trường có nhiều phương pháp điều trị Covid-19 nhưng phần nhiều đắt đỏ, khó áp dụng, không phổ biến rộng rãi hoặc hiệu quả thấp.

Molnupiravir, vốn được phát triển để điều trị cúm influenza, có thể giải quyết được nhiều trong số các thách thức trên.

700 USD cho một liệu trình không phải là rẻ nhưng mức giá này đã thấp hơn nhiều so với nhiều phương pháp khác. Một liệu trình Molnupiravir có giá bằng phân nửa liệu pháp của Regeneron (1.250 USD) và bằng 1/3 so với liệu pháp của GSK (2.100 USD).

Molnupiravir có giá khoảng 700 USD cho 1 liệu trình điều trị. Ảnh: Medpage Today

Có một điều cần lưu ý: So với liệu pháp kháng thể với khả năng giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong tới 70-85%, Molnupiravir hiệu quả thấp hơn.

Tuy nhiên, ưu thế của loại thuốc này tương đối rõ rệt. Cách sử dụng đơn giản hơn khiến thuốc dễ được kê đơn và có thể tiếp cận rộng rãi hơn tới bệnh nhân, đặc biệt ở những nơi hệ thống y tế bị quá tải hoặc thiết bị còn hạn chế.

Một loại thuốc như Molnupiravir có thể góp phần bù đắp lỗ hổng trong chương trình chủng ngừa Covid-19.

 

Những loại thuốc mới như Molnupiravir cần thử nghiệm và đánh giá thêm nhưng nó mở ra khả năng phát triển hướng điều trị mạnh hơn, tập trung hơn. Thuốc mang tiềm năng lớn bởi có thể dùng ngay trong những giai đoạn đầu của bệnh. Và vì đây chỉ là thuốc uống nên bệnh nhân sẽ không cần tới phòng khám hay bệnh viện, giảm bớt nguy cơ lây truyền bệnh.

Thuốc uống cũng dễ bảo quản và vận chuyển hơn so với thuốc truyền nên có thể đưa tới những vùng hẻo lánh. Đó là lý do vì sao Molnupiravir đem lại hiệu quả lớn ở những nơi >vaccine chưa được phủ rộng hoặc tỷ lệ nhiễm bệnh cao.

Tuy vậy, phải lưu ý một điều: về mặt khoa học, kết quả thử nghiệm do Merck công bố có trọng lượng thấp hơn một nghiên cứu đã được bình duyệt. Số liệu của Merck được lấy từ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở 775 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ nhẹ đến trung bình.

Tới ngày 29 của giai đoạn thử nghiệm, 7,3% bệnh nhân sử dụng Molnupiravir tử vong hoặc nhập viện, trong khi đó tỷ lệ này ở nhóm bệnh nhân dùng giả dược là 14,1%.

Merck không đề cập tới bất kỳ tác dụng phụ cụ thể nào từ Molnupiravir trong thông cáo của mình và khẳng định tỷ lệ biến chứng giữa nhóm bệnh nhân dùng giả dược và Molnupiravir là như nhau. Tác dụng phụ xảy ra ở 35% người uống Molnupiravir, trong khi tỷ lệ này ở nhóm giả dược là 40%.

Vaccine - khẩu trang - giãn cách vẫn là "cột trụ"

Các phương pháp điều trị giúp con người khỏe lại nhưng phải nhớ rằng chủng ngừa vẫn là chiến thuật hữu hiệu nhất để kiểm soát dịch bệnh. Trước hết, tiêm vaccine có thể ngăn ngừa nhiễm bệnh ngay từ đầu. Hơn nữa, ngay cả những loại vaccine Covid-19 đắt đỏ nhất hiện thời vẫn quá rẻ so với các liệu trình điều trị.

Khẩu trang vẫn là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu và quan trọng để chống dịch. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, những biện pháp phòng bị khác cũng vô cùng quan trọng. Đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và xét nghiệm vẫn rất hiệu quả. Sự xuất hiện của một loại thuốc hữu hiệu không phải là lý do để ta có thể chủ quan.

Sau khi nhận được kết quả thử nghiệm lâm sàng tích cực, Merck dự tính nộp dữ liệu để đánh giá và xin cấp phép sử dụng khẩn cấp từ Cơ quan Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) sớm nhất có thể. Các công ty khác, gồm cả Pfizer, cũng đang thử nghiệm thuốc kháng virus và dự kiến sẽ có kết quả trong vài tuần tới.

Molnupiravir: "Con gà đẻ trứng vàng" cho Merck?

Hồi tháng 6, vài tháng trước khi kết thúc thử nghiệm, Merck đã ký thỏa thuận cung cấp 1,7 liệu trình cho chính phủ Mỹ với mức giá khoảng 700 USD/liệu trình - tổng giá trị đơn hàng là 1,2 tỉ USD.

Hãng dược Mỹ cũng đang có thỏa thuận với chính phủ nhiều nước khác. Mặc dù Merck không tiết lộ cụ thể về những hợp đồng này, hãng cho biết giá thuốc ở các nước sẽ khác nhau, tùy theo mức thu nhập. Merck cũng dự định cấp quyền cho một vài nhà sản xuất Ấn Độ để sản xuất thuốc gốc cho các thị trường thu nhập thấp.

Hiện tại, Merck dự tính sản xuất 10 triệu liệu trình trong năm 2021, đưa doanh thu lên tới 7 tỉ USD. Điều này sẽ khiến Molnupiravir, chỉ trong vài tuần, trở thành 1 trong 10 loại thuốc sinh lời cao nhất, cạnh tranh với thuốc điều trị HIV Biktarvin của Gilead.

Molnupiravir có thể sẽ là loại thuốc thứ hai đem lại giá trị cao cho Merck sau thuốc điều trị ung thư "bom tấn" Keytruda (Keytruda mang về hơn 14 tỉ USD/năm).

Với gần 500.000 ca nhiễm Covid-19 mới được ghi nhận mỗi tuần trên thế giới, thị trường tiềm năng cho Molnupiravir có thể mở rộng, vượt mức doanh thu 10 triệu trong vài tháng tới.

Theo Thi Anh/Tổ Quốc