Varon kể, người ta gọi tới văn phòng của ông và đe dọa vì ông tuyên truyền đeo khẩu trang: "Họ không tin những gì chúng tôi làm là thật".
Đã vài tháng nay bác sĩ Joseph Varon không được nghỉ ngày nào.
31/7 là ngày thứ 134 liên tiếp ông làm việc, dẫn dắt đơn vị chống COVID-19 tại Trung tâm Y tế United Memorial của Houston (Mỹ).
"Nếu anh hỏi làm thế nào mà tôi có thể tồn tại suốt 134 ngày không nghỉ, thì tôi đoán là do adrenaline", Varon nói, "Nhưng tôi đang dần cạn sức rồi. Tình hình rất khó khăn".
Và tuần trước vẫn chưa phải là thời điểm khó khăn nhất. Trong bối cảnh Houston đối mặt với làn sóng ca nhiễm gia tăng, Varon phải ký nhiều giấy chứng tử hơn bất cứ thời điểm nào trong sự nghiệp của mình.
"Người ta đang chết dần mỗi ngày", ông nói.
Ngày làm việc của ông bắt đầu từ sớm. Khoảng 4 rưỡi, 5 giờ sáng, ông đã lên đường tới bệnh viện và đi thẳng đến bộ phận chống COVID-19, nơi ông và cộng sự kiểm tra trường hợp của từng bệnh nhân. Thế rồi Varon bắt đầu đi thăm bệnh.
Chăm sóc cho các bệnh nhân COVID-19 mất ít nhất 10 tiếng mỗi ngày, Varon cho hay. Sau đó, ông khám cho các bệnh nhân khác của mình trong viện - những người không mắc COVID-19.
"Nếu may mắn, tôi sẽ trở về nhà trước 10 giờ tối. Nếu không may, mà đa phần là như vậy, thì tôi sẽ về đến nhà lúc nửa đêm", Varon nói.
"Công tác chăm sóc người bệnh trong khu vực chống COVID rất khó khăn", ông kể, "Mỗi khi các y tá vào phòng bệnh và mặc những bộ đồ bảo hộ, lúc bước ra họ đổ mồ hôi như tắm. Bộ đồ ấy đối với họ chẳng khác nào phòng tắm hơi mini".
Bản thân công việc rất mệt mỏi về mặt thể chất, mọi người đều phải mặc vài lớp đồ bảo hộ (PPE). Varon còn từng thấy các y tá bị trượt trên chính mồ hôi của mình.
Công việc cũng rất mệt mỏi về mặt tinh thần. "Tôi đã thấy các y tá, giữa lúc thăm khám, bỗng bật khóc", Varon nói, "Họ khóc bởi họ không thể chịu đựng nổi nữa".
Đeo ảnh bên ngoài đồ bảo hộ
Callaghan O’Hare, nhiếp ảnh gia ghi lại những hình ảnh tại trung tâm y tế United Memorial, chia sẻ: Cô đặc biệt ấn tượng với sự nỗ lực của các y bác sĩ và sự tận tụy mong làm nên sự khác biệt ở họ.
"Họ thực sự cố gắng dành thời gian để làm quen với bệnh nhân", O'Hare nói.
Kết nối với ai đó không dễ dàng gì khi khuôn mặt của bạn bị che lấp bởi chiếc khẩu trang và bộ đồ bảo hộ từ đầu đến chân. Nhưng các y bác sĩ ở United Memorial đã nghĩ ra một giải pháp.
"Bác sĩ và sau đó là các y tá đều đeo một bức ảnh của mình bên ngoài bộ đồ PPE để ít nhất bệnh nhân có thể biết họ trông như thế nào và biết mình đang trò chuyện với ai", O'Hare nói.
Houston là trung tâm hành chính của quận Harris (Texas). Tính đến ngày 31/7, đây là nơi đứng thứ 5 ở Mỹ về số ca COVID-19 được ghi nhận.
"Tôi thấy tần suất xe cứu thương gia tăng, mỗi giờ trong ngày", O'Hare cho biết. Cô thấy người ta tới từ 11 rưỡi đêm hôm trước chỉ để đảm bảo có chỗ xếp hàng và được xét nghiệm vào hôm sau. Quân đội Mỹ đã phải tới hỗ trợ mở rộng trung tâm y tế và bổ sung giường bệnh.
"Một trong số những hình ảnh khó chứng kiến nhất là sau khi một người qua đời, họ đặt tất cả đồ của người bệnh vào một chiếc túi nhựa bên cạnh anh ta - chỉ là chiếc quần bóng rổ, chiếc áo phông và đôi giày", O'Hare nói, "Và tôi chợt nhận ra rằng, người đàn ông này ra đi mà không có bạn bè, thân thích ở bên để tiễn đưa".
"Không ai đáng phải chịu điều đó".
Bị đe dọa khi tuyên truyền đeo khẩu trang
Bác sĩ Varon đã lên tiếng về mối đe dọa COVID-19 và tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang. Nhưng không phải ai cũng đón nhận điều đó.
"Người ta gọi tới văn phòng của tôi và để lại nhiều lời đe dọa vì tất cả những nỗ lực truyền thông mà tôi đang làm, bởi họ không tin những gì chúng tôi làm là thật", Varon nói.
Ông muốn tất cả mọi người nhìn ra được: Đây không phải trò lừa đảo. Đây là sự thật. Mọi người đang chết dần.
"Anh không thể nào hiểu được nỗi tức giận của tôi mỗi khi tôi rời bệnh viện, tôi đi về nhà và rồi ở một trong những trung tâm thương mại ấy tôi thấy cả trăm cái xe ô tô, tôi thấy một đám nam thanh, nữ tú tiệc tùng - không khẩu trang, không gì cả. Điều đó khiến tôi đau lòng", Varon nói, "Người ta có lắng nghe đâu".