Hình ảnh cậu bé thơ dại thong dong ngồi trước vô lăng chiếc ôtô nhựa màu đỏ lượn khắp làng, châm hết điếu này đến điếu kia, nhả khói khiến người ta phải dùng đến hình ảnh so sánh nó chẳng khác nào "bát hương di động".
Trước hiên nhà bao quanh là đồn điền và đồng ruộng ở ngôi làng nhỏ Teluk Kemang Sungai Lilin, tỉnh Nam Sumatra, Indonesia, cậu bé 8 tuổi trông có vẻ chững chạc hơn so với tuổi ngồi cười với mẹ. Nhìn cậu bé ấy người ta ít nhiều cũng đoán được tuổi thơ của em vất vả. Tuy nhiên, không giống như cái khổ mà nhiều em bé vùng nông thôn phải trải qua, cái khổ của cậu bé ấy lại là... vượt qua cơn nghiện thuốc lá.
Nghe có vẻ lạ nhưng sự thực là như vậy, 11 tháng tuổi cậu nhóc ấy đã biết cầm trên tay điếu thuốc lá phì phèo nhả khói như người lớn. Để rồi 7 năm sau đó là một hành trình dài gian nan đi tìm lại chính mình, tìm lại tuổi thơ đúng nghĩa của một đứa trẻ...
"Nô lệ tí hon" của thuốc lá
Cuối tháng 3/2010, hình ảnh cậu bé béo tròn, da đen nhẻm, ngồi trên chiếc xe đồ chơi 3 bánh, khuôn mặt ngây thơ cầm trên tay điếu thuốc rít và nhả khói thành thục như người lớn bỗng lan truyền chóng mặt trên Internet. Ngay lập tức những video quay lại cảnh cậu bé phì phèo điếu thuốc thu hút hàng triệu lượt xem. Cậu nhóc trở thành cậu bé nổi tiếng "bất đắc dĩ" không phải tài năng gì nổi trội mà lại là vì thuốc lá.
Đó là >cậu bé Aldi Suganda, còn được gọi là Aldi Rizal (khi đó mới 2 tuổi). Vào thời điểm đó, mẹ của Aldi Rizal là Diana tiết lộ con trai cô hút đến 40 điếu thuốc một ngày - một con số mà người nghiện thuốc lá lâu năm cũng phải giật mình. Gia đình hoàn toàn bất lực và không thể kiểm soát được chứng nghiện thuốc lá quá nặng của con trai mới 2 tuổi. “Con tôi nghiện thuốc lá quá rồi, nếu không đưa thuốc cho nó, nó sẽ khóc lóc và hờn dỗi, thậm chí đập cả đầu vào tường để đòi thuốc”, Diana nói.
Aldi là con út trong ba cậu con trai của vợ chồng Diana. Mỗi ngày, cặp vợ chồng phải dành ra 4 USD để mua thuốc lá cho con, thay vì mua sữa. Mọi người chỉ trích Diana là một người mẹ tồi và tỏ ra nghi ngờ về khả năng làm mẹ của cô. Dinana tâm sự: "Tôi là một người mẹ yếu đuối. Thằng bé luôn đe dọa tôi nếu tôi không đưa tiền cho nó mua thuốc... Tôi sợ con sẽ chết".
Diana biết bản thân mình có lỗi trong cách >chăm sóc con nhưng cô cũng đành bất lực trước thực trạng cuộc sống xung quanh. Aldi được mẹ dắt đến chợ bán rau hàng ngày. Ở đó, cả đàn ông lẫn phụ nữ đều phì phèo điếu thuốc nên Aldi dễ dàng bắt chước hành động ấy như bản năng của một đứa trẻ. Mẹ thì bận bán hàng để con tự chơi, vậy là khi mới chỉ 11 tháng tuổi, nhóc tỳ nói còn chưa sõi đã biết cách cầm điếu thuốc.
Không lâu sau, Aldi (2 tuổi) hút hết 4 bao thuốc (tương đương 40 điếu) mỗi ngày. Đó cũng là lúc clip quay cảnh cậu bé phì phèo điếu thuốc trên tay trước sự chứng kiến của nhiều em nhỏ và cả người lớn lan truyền chóng mặt. Aldi được cư dân mạng và truyền thông đặt cho biệt danh "smoking baby". Tin tức về em liên tục xuất hiện trên báo chí, truyền hình trong và ngoài nước.
Hình ảnh cậu bé thơ dại thong dong ngồi trước vô lăng chiếc ôtô nhựa màu đỏ lượn khắp làng, châm hết điếu này đến điếu kia, nhả khói khiến người ta phải dùng đến hình ảnh so sánh nó chẳng khác nào "bát hương di động", hay như tờ Daily Mail (Anh) dùng cụm từ "tên lãnh chúa trung tuổi". Cư dân mạng thì không khỏi bức xúc trước cảnh trượng "gai mắt" như vậy.
Cô Diana thừa nhận với truyền thông rằng thời điểm đó có lúc Aldi tỉnh dậy vào 3h sáng và khóc lóc đòi thuốc. Cậu bé thậm chí dùng dao đâm vào đầu gối đến bật máu. Những lúc như thế, chị Diana tự trách bản thân đã hút thuốc lá trong thời gian mang thai Aldi. Cô chỉ ước con trai tránh xa thuốc lá để phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng cô cũng không thể cầm lòng được khi nhìn con tự làm tổn thương chính mình.
Bác sĩ nhi khoa Alanna Levine cho biết Aldi nghiện thuốc khá nặng nên không dễ để từ bỏ. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, tổn thương phổi vĩnh viễn, ảnh hưởng đến vận động và dễ bị béo phì. Sự thật thì Aldi luôn cảm thấy nặng nề, khó thở mỗi khi chạy nhảy, nô đùa. Chính vì vậy, em ít vận động và chủ yếu di chuyển trên chiếc xe đồ chơi.
Thực trạng đáng buồn ở "xứ sở vạn đảo"
Tình trạng của Aldi nghiêm trọng như vậy nhưng cậu bé không phải đứa trẻ duy nhất trên khắp các hòn đảo của Indonesia có thói quen hút thuốc. Một thống kê được kênh CNN tiết lộ năm 2017 cho thấy ước tính có hơn 267.000 trẻ em nước này sử dụng các sản phẩm thuốc lá mỗi ngày.
Đất nước này có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên toàn cầu và người hút thuốc ở tuổi vị thành niên và trẻ em cũng ở mức cao nhất thế giới. Nguyên nhân được cho là sự thiếu kiểm soát của các nhà chức trách đối với các hoạt động quảng cáo, tự do bán thuốc lá và giá thành thấp.
Theo tờ Atlas, năm 2013, có tới hơn 57% nam giới hút thuốc là người Indonesia và hơn 42% thanh thiếu niên từ 13 đến 15 tuổi hút thuốc, trong khi các con số này ở Mỹ là 17% và 8.2% tương ứng. Người ta ước tính rằng hơn 217.000 người chết vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá mỗi năm ở Indonesia, bao gồm cả bệnh tim và các bệnh về đường hô hấp như ung thư phổi.
Hành trình "cai nghiện" thuốc lá của đứa trẻ lên 3
Khi đoạn video Aldi hút thuốc trở nên nổi tiếng, hàng loạt clip "ăn theo" nhanh chóng xuất hiện với nhân vật chính là các em nhỏ.
Ông Seto Mulyadi, Chủ tịch Ủy ban bảo vệ trẻ em Indonesia, bức xúc cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là người lớn noi gương xấu cho trẻ. Bên cạnh đó, cơ chế buông lỏng khiến các nhà máy sản xuất thuốc lá được đà quảng cáo rầm rộ. Chính quyền Indonesia ngay lập tức phát động chiến dịch quốc gia nhằm chấm dứt tệ nạn hút thuốc lá ở trẻ em. Họ cũng quan tâm đặc biệt tới trường hợp của Aldi và hỗ trợ gia đình giúp em cai thuốc.
Nhưng việc cai thuốc lá cho Aldi gặp không ít khó khăn, em liên tục đòi hỏi nhiều đồ chơi hơn và đập đầu vào tường nếu không được đáp ứng. Các nhà chức trách địa phương hứa tặng chiếc xe hơi mới nếu "smoking baby" bỏ được thuốc thì kết quả vẫn không được như ý muốn.
Tiến sĩ Seto Mulyadi là người giúp đỡ và đồng hành cùng Aldi trên con đường chiến đấu với cơn nghiện thuốc lá. Mulyadi tin rằng một lợi ích trong trường hợp của Aldi chính là sự nhanh nhẹn của một đứa trẻ. Đối với Aldi, độ tuổi và trí thông minh của câu bé giúp ích rất nhiều nên Mulyadi đã đánh lạc hướng cậu bé bằng cách khuyến khích em hoạt động chạy nhảy, leo trèo và chơi để quên đi "cơn nghiện" đồng thời giảm dần số lượng thuốc lá mỗi ngày. Nhưng việc điều trị rất căng thẳng và bắt buộc Aldi phải đến Jakarta trong vài tháng để được ở bên cạnh tiến sĩ Mulyadi mỗi ngày.
Tiến sĩ Seto đánh giá cậu bé rất thông minh và tiếp thu mọi thứ nhanh. Hàng loạt biện pháp trị liệu nhằm loại bỏ tận gốc mầm mống nghiện ngập đã đem lại kết quả khả quan. Khi trở về quê hương ở tỉnh Nam Sumatra, có người cho Aldi nhưng cậu bé đã thẳng thừng từ chối và nói rằng: "Cháu rất yêu mến bác Seto. Bác ấy sẽ buồn nếu cháu lại hút thuốc và khiến mình mắc bệnh". Tuy nhiên, ban đầu, gia đình cũng không ít lần phải gọi điện cho tiến sĩ Seto nhờ giúp đỡ khi Aldi vật vã chống lại cơn thèm thuốc. May mắn là cậu bé dần chế ngự được "kẻ gây nghiện".
Bỏ được thuốc lại mắc chứng cuồng ăn
Khi từ bỏ được thói quen xấu thì Aldi lại mắc chứng béo phì vì ăn quá nhiều thực phẩm chứa chất béo và cậu có thể uống hết 3 hộp sữa đặc mỗi ngày để cai thuốc. Cậu bé đã nặng đến 24kg khi chỉ mới 5 tuổi và luôn trong tình trạng thèm ăn.
Cha mẹ của Aldi đã đưa con đến bệnh viện để kiểm tra >sức khỏe và thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt. Bác sĩ điều trị cho biết, chứng nghiện thuốc lá hồi nhỏ có ảnh hưởng rất lớn đến việc tăng cân nhanh chóng của Aldi.
Đến năm 2017, sau 7 năm từ ngày nghiện thuốc, cuộc sống của cậu bé nghiện thuốc lá 40 điếu/ngày đã hoàn toàn thay đổi. Cậu bỏ hoàn toàn được thuốc là và có được cân nặng bình thường, sức khỏe ổn định nhờ chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt. Aldi còn đạt được kết quả học tập xuất sắc ở trường.
Từ đó đến nay, Aldi cũng không còn xuất hiện trên truyền thông nữa. Có lẽ mọi người đều tin Aldi đã tìm lại được bản thân, sống cuộc sống của một đứa trẻ hồn nhiên đúng với tuổi của em và cũng không ai muốn "làm phiền" đến cuộc sống cậu bé đã có quá nhiều thương tổn thời thơ ấu ấy nữa...