Người phụ nữ ấy khi chỉ mới 12 tuổi đã bị ép kết hôn với một người đàn ông hơn mình hàng chục tuổi.
Năm 2017, mạng xã hội Uganda bất ngờ xôn xao về câu chuyện của một người phụ nữ nước này mới 37 tuổi nhưng đã phải một mình ôm 38 đứa con nheo nhóc. Ở cái độ tuổi này của phụ nữ, việc có 4,5 hay 7 đứa con không phải là chuyện lạ, thế nhưng người phụ nữ này đã sinh ra số con cái còn lớn hơn cả tuổi đời của mình quả thật khiến người ta ngạc nhiên, thậm chí là không tin.
Vậy mà đó là câu chuyện có thật của một bà mẹ tên Mariam Nabatanzi!
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Nairobi News, chị Mariam như được trút bầu tâm sự, chị kể rằng chị sinh cả 37 đứa con đều "tại gia" mà không đến bệnh viện. Chỉ có đứa nhỏ nhất được sinh ra trong một bệnh viện địa phương vì lần đó chị phải sinh mổ.
Nói chuyện với chị Mariam mới có thể hiểu tại sao chị mới 37 tuổi mà sinh được tới 38 đứa. Thì ra là vì Mariam bị một tình trạng di truyền hiếm gặp dẫn đến rụng nhiều trứng cùng một thời điểm. Chị mang thai 38 đứa con trong 14 lần, trong đó 6 lần mang thai đôi, 4 lần mang thai 3, 3 lần mang thai 4 và 2 lần mang thai đơn. Trong số 38 đứa con nhà chị Mariam, có 10 bé gái, còn lại là trai.
Charles Kiggundu, bác sĩ sản khoa tại Bệnh viên Mulago, Kampala, Uganda cho biết: "Trường hợp của Mariam là rất hiếm. Cô ấy gặp phải hiện tượng rụng trứng quá mức, tức là rụng quá nhiều trứng trong một chu kỳ. Điều này đã làm tăng đáng kể xác suất mang đa thai".
Sau khi sinh đứa con thứ 38, để chấm dứt tình trạng sinh đẻ quá mức và cũng là để con cái không phải sống một cuộc sống khó khăn, chị Mariam đã yêu cầu bác sĩ dùng các biện pháp can thiệp y tế. Các bác sĩ đã cắt bỏ tử cung của chị.
Với nhiều phụ nữ khác, kết hôn và sinh ra những đứa con là một niềm hạnh phúc vô bờ bến nhưng với chị Mariam, 38 đứa trẻ là kết quả của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, của một ngã rẽ cuộc đời mà chị không thể cưỡng lại.
Tuổi thơ của Mariam tràn ngập đau khổ và bi kịch. Chỉ ba ngày sau khi sinh chị, mẹ của Mariam đã qua đời, để lại 5 đưa con thơ dại. Cha của Mariam đã đi bước nữa nhưng mẹ kế của chị là một người phụ nữ thâm độc. Bà ta đầu độc anh chị của Mariam bằng cách trộn thủy tinh trong thức ăn của họ. Mariam là người duy nhất sống sót vì khi đó chị đang đến thăm một người họ hàng.
Chị nói: "Lúc đó tôi 7 tuổi, còn quá nhỏ để hiểu cái chết là như thế nào. Tôi đã được người thân kể lại những gì đã xảy ra".
Năm 1993, khi mới 12 tuổi, Mariam bị gia đình ép kết hôn với một người đàn ông hơn chị hàng chục tuổi.
"Tôi thậm chí còn không biết là mình đã kết hôn, không đám hỏi, không đám cưới, tôi cứ thế mà về nhà chồng sống. Tôi chỉ nhớ hôm đó, người ta đến nhà và đưa cho cha tôi rất nhiều của cải. Sau đó, họ rời đi. Tôi được dì dắt đi, tôi không biết đi đâu mà chỉ đi theo vì quả thật lúc đó tôi vẫn là một đứa trẻ con ngây thơ. Thế nhưng, khi đến nơi, dì của tôi đã đã giao tôi cho một người đàn ông, ông ta chính là chồng tôi mà sau này lớn lên tôi mới biết", Mariam nói.
"Trước tôi, chồng tôi đã có rất nhiều vợ, và ông ta còn có những đứa con riêng. Lấy ông ta về, là một người vợ, tôi phải đảm nhận cả công việc >chăm sóc con riêng của chồng vì mẹ của chúng đã bỏ đi sau khi ly hôn. Chồng tôi là một tên vũ phu, ông ta đánh tôi bất cứ lúc nào có cơ hội, không cần có lý do", Mariam nghẹn ngào.
Nhiều người cho rằng chị Mariam được cưới về không phải để làm vợ mà làm một "cỗ máy đẻ thuê" cho nhà chồng.
Mặc dù có nhiều thách thức và khó khăn nhưng Mariam vẫn luôn lạc quan về tương lai của các con chị và không ngừng nỗ lực để các con được đến trường, được học hành tử tế và được hưởng chế độ giáo dục tốt.
3 năm sau lần "nổi tiếng bất đắc dĩ" ấy, cuộc sống của chị Mariam giờ đã đổi thay rõ rệt.
Người chồng vũ phu đã bỏ mẹ con Mariam lại để đi tìm cuộc sống mới. Mọi gánh nặng đè lên vai người phụ nữ nhỏ bé mà phi thường ấy.
Mariam và các con phải sống trong trong bốn ngôi nhà nhỏ làm từ gạch xi măng và mái tôn, bao quanh là những cánh đồng cà phê bạt ngàn.
Chị làm việc không mệt mỏi để có thể lo cho các con ăn học và đảm bảo rằng chúng luôn có một mái ấm để trở về. Chị làm đủ thứ nghề, từ thợ làm tóc, người trang trí sự kiện đến người thu mua phế liệu. Chị cũng tự pha chế rượu gin tại địa phương để bán và làm thuốc thảo dược.
Mariam quyết tâm dành cho các con những điều tốt đẹp mà trước đây chị chưa từng được hưởng. Hầu hết số tiền chị kiếm được đều dành để mua thực phẩm, chăm sóc y tế, quần áo và học phí cho các con. Hình ảnh những đứa con lớn của chị tốt nghiệp các cấp bậc được treo trang trọng trên các bức tường trong nhà của Mariam.
Có một điều là dù Mariam đã nỗ lực hết sức nhưng chị vẫn phải để một trong số các con là Ivan Kibuka bỏ học để giúp mẹ nuôi nấng các em.
Cô gái 23 tuổi nói: "Mẹ em bị kiệt sức vì quá nhiều công việc, chúng em đã cố giúp mẹ những việc đơn giản như nấu ăn và giặt giũ nhưng mẹ vẫn phải cáng đáng cả gia đình. Em thương mẹ lắm".