Dù đã 16 tuổi, cô gái này vẫn được bảo mẫu bón cơm như em bé. Thậm chí, bảo mẫu phải cắt cả móng chân, mặc quần áo, đi tất cho cô chủ nhỏ.
16 tuổi vẫn được bảo mẫu bón cơm
Lưu Tư Kỳ sinh năm 2001 tại Liêu Ninh, Trung Quốc từng gây xôn xao mạng xã hội Trung Quốc bởi được cha mẹ nuông chiều và bao bọc quá mức dẫn tới lối sống lệch lạc, phù phiếm.
Theo đó, cô gái này sinh ra trong một gia đình có điều kiện. Do bố mẹ bận rộn nên đã thuê bảo mẫu chăm sóc cô bé từ nhỏ tới lớn. Họ thậm chí chẳng tiếc tiền mua những món đồ cô yêu thích, từ túi xách hàng hiệu đến xe sang.
Dưới sự bao bọc quá mức, chiều chuộng của gia đình, Tư Kỳ chưa từng động tay vào bất kỳ công việc nào. Năm 16 tuổi, Tư Kỳ vẫn được bảo mẫu bón cơm như em bé. Thậm chí, bảo mẫu phải cắt cả móng chân, mặc quần áo, đi tất cho cô chủ nhỏ. Chưa kể, để cắt được mái tóc đẹp, Lưu Tư Kỳ sẵn sàng bắt tài xế đưa đi quãng đường gần 500km.
Ngay cả khi đi mua sắm, cô gái này cũng thuê cả vệ sĩ riêng để đi xách đồ giúp mình. Mỗi lần mua sắm, Tư Kỳ có thể tiêu đến 50.000 NDT (167 triệu đồng) mà chẳng hề đắn đo, suy nghĩ.
Chính sự chiều chuộng này khiến Lưu Tư Kỳ luôn coi bản thân là trung tâm của gia đình. Mọi người phải chiều theo ý cô nếu không hài lòng điều gì, đánh đập, trách mắng những người xung quanh. Kể cả đối với em trai ruột, Tư Kỳ luôn tỏ thái độ ghét bỏ bởi không muốn bố mẹ san sẻ tình cảm với chính người em ruột của mình.
Để chứng tỏ bản thân, Tư Kỳ còn từng quyết định khởi nghiệp từ việc bán ốp điện thoại. Cô mua ốp với giá 20 tệ một chiếc nhưng không thể bán lại vì quá đắt. Không còn cách nào khác, Tư Kỳ đã bán chỗ ốp điện thoại với giá 2 nhân dân tệ. Dù vậy, cô vẫn không nhất quyết bán hết hàng, chỉ bán được khoảng chục chiếc rồi đóng cửa hàng đi về. Trên đường về nhà, Lưu Tư Kỳ bỗng thèm ăn hải sản và tiêu tốn vài trăm tệ. Con hàu cô mua chỉ có giá hơn 100 tệ nhưng cô thấy chủ quán đáng thương nên chỉ bỏ 600 tệ, thêm 500 tệ coi như tiền boa.
Lâu dần, bố mẹ Tư Kỳ cảm thấy lo lắng về tính cách và tiêu tiền của con gái. Mặc dù họ đã làm việc chăm chỉ cả đời để con được sống trong nhung lụa, không phải lo cơm ăn, áo mặc nhưng dường như điều đó lại khiến Tư Kỳ chưa bao giờ thực sự hiểu được giá trị của đồng tiền và ý nghĩa của đồng tiền khó kiếm được.
Sau khi đắn đo suy nghĩ, gia đình quyết định cho con gái mình tham gia chương trình truyền hình thực tế có tên “Biến đổi”. Ban đầu, Tư Kỳ không đồng ý và tỏ ra khó chịu. Cô thậm chí đập phá đồ đạc, tuyệt thực nhưng sau đó đã chấp nhận khi liên tục được mẹ nài nỉ.
Tại chương trình, Lưu Tư Kỳ được trải nghiệm cuộc sống ở vùng nông thôn Quý Châu, Trung Quốc trong vòng 1 tháng. Không còn bảo mẫu cạnh bên, không được mang theo tiền bạc, cô gái này buộc phải tự cầm đũa để ăn cơm, phải làm làm việc để kiếm sống.
Khi tham gia vào các công việc nặng nhọc và vất vả để kiếm tiền ở nông thôn, cô gái trẻ này dần thay đổi từ tính cách đến suy nghĩ theo chiều hướng tích cực. Cô không còn kiêu ngạo như trước. Quan trọng hơn, cô có khái niệm về tiền bạc và biết rằng tiền rất khó kiếm, nếu không có bố mẹ cho tiền thì cô chẳng là gì cả.
Kể từ khi rời chương trình cho đến nay Lưu Tư Kỳ đã trở thành phiên bản khác. Cô nàng đã biết tự vạch ra kế hoạch cho bản thân bằng cách tự quyết định đi du học để trau dồi kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực >thời trang. Sau nhiều năm đi học cô đã có thể tự thành lập một studio của riêng mình và trở thành nhà thiết kế có tiếng tăm.
Câu chuyện của Lưu Tư Kỳ có thể xem là bài học đáng quý về sự giáo dục, đồng hành của cha mẹ dành cho con cái. Nếu trẻ được cha mẹ bao bọc quá mức, lâu dần sẽ trở thành dựa dẫm, ỷ lại, không biết tự học hỏi và trau dồi. Về lâu dài, chúng sẽ gặp khó khăn trong việc sống tự lập. Vì vậy, nếu muốn thay đổi điều này thì trước hết phải bắt đầu từ chính cách giáo dục của bố mẹ.
Cha mẹ hãy để trẻ tự làm một số công việc nằm trong khả năng của mình từ khi còn nhỏ như gấp quần áo, tự vệ sinh cá nhân… Dần dần, trẻ sẽ tự quen với các công việc này và biết rằng mình nên giúp đỡ bố mẹ ở những công việc khác nữa.