Tôi chẳng nhớ rõ mẹ đã nói gì, trong kí ức vụn vỡ của tôi là chỗ tò he bấy nhầy, là những lời miệt thị của mẹ tôi cho Năm, là ánh mắt buồn tủi lẫn căm hận của Cún nhìn tôi và mẹ, là tôi bị lôi xồng xộc về nhà.
Ngày nhỏ đi học, cứ chiều về tôi lại ghé hàng xe tò he của bác Năm, ríu rít đòi bác dạy cho làm tò he. Bác Năm có một đứa con trai tên Khôi, nhưng tôi hay gọi bạn là Cún. Vì cứ mỗi lần tôi muốn bắt chuyện, cậu lại trốn sau lưng cha, hệt như một chú Cún. Nhà Cún nghèo lắm, hàng xe tò he của Năm không thể lo được gánh nặng cơm áo gạo tiền và cả chuyện học của Cún. Mẹ Cún lại mất sớm, từ đó bạn cứ lầm lì, buồn buồn thế nào ấy.
Cún nghỉ học sớm phụ cha làm tò he. Có tôi hay đến chơi lại ríu rít như chim non, bác Năm thích lắm, nhờ tôi giúp Cún vui vẻ hơn. Ban đầu Cún chả thích tôi đâu, nhưng tôi cứ quấy thành ra bạn phải nghe lời. Tôi với Cún dần thân với nhau, cả hai đứa đều hứng thú làm tò he. Tay lúc nào cũng đầy bột và màu, lấm lem trông buồn cười lắm, hai đứa cứ nhìn nhau khúc khích cười.
Năm dạy tôi rằng “Làm tò he cần chút khéo tay, tỷ mỉ, sáng tạo và quan trọng nhất là phải có niềm đam mê, mới có thể “thổi hồn” được cho những con giống bé xinh tò he được. Nước màu có nguồn gốc từ thiên nhiên, từ các loại lá cây, rau củ ăn được. Chẳng hạn như màu đỏ từ quả gấc, màu đen từ cây nhọ nồi, ở đồng quê rất nhiều, màu xanh từ lá trầu không, lá riềng. Cần phải qua nhiều công đoạn công phu, đặc biệt khâu làm bột thì mới làm ra được sản phẩm tò he bóng mượt và màu sắc tươi đẹp”. Tôi cứ nhớ kĩ lời Năm, chăm chút cho từng con tò he của mình.
Cần chút khéo tay, tỷ mỉ, sáng tạo và quan trọng nhất là phải có niềm đam mê, mới có thể “thổi hồn” được cho những con giống bé xinh tò he được. (Ảnh minh họa: Internet)
Một bận, tôi đang phụ Năm làm dở chỗ tò he, có pikachu, doraemon, siêu nhân... tôi tự >làm đẹp lắm. Năm bảo tôi giữ lấy vài cây làm kỉ niệm, tôi thích thú cầm lấy vui sướng vì thành quả. Bỗng đâu, mẹ tôi xuất hiện, giật lấy chỗ tò he tôi đang cầm rồi ném thật mạnh xuống đất nát tan chỗ tò he. Nhìn tò he xanh đỏ bấy nhầy trên mặt đất tôi không kìm được khóc toáng lên.
Tôi chẳng nhớ rõ mẹ đã nói gì, trong kí ức vụn vỡ của tôi là chỗ tò he bấy nhầy, là những lời miệt thị của mẹ tôi cho Năm, là ánh mắt buồn tủi lẫn căm hận của Cún nhìn tôi và mẹ, là tôi bị lôi xồng xộc về nhà.
Từ đó tôi bị cấm không được đi long nhong sau giờ học, thay vào đó mẹ sắp xếp hàng tá môn học năng khiếu cho tôi, cố đào tạo tôi thành đứa con mát lòng mát dạ của ba mẹ. Lúc đó tôi chỉ biết nghe lời, lúc đó tôi nghĩ chắc rằng Cún sẽ chẳng bao giờ muốn gặp lại tôi nữa. Kể từ đó tôi cũng chẳng còn ghé ngang ngôi nhà lá nhỏ cùng hàng xe tò he quen thuộc nữa.
Trong kí ức vụn vỡ của tôi là chỗ tò he bấy nhầy. (Ảnh minh họa: Internet)
Một chiều thu nhẹ 15 năm sau, lá vàng rơi lã chã trên con đường quá đỗi quen thuộc. Hôm sau sẽ là ngày cưới của tôi. Chồng tương lai của tôi, anh ấy có vẻ đàng hoàng, công việc tốt với mức lương lí tưởng, dự là trong tương lai sẽ về tiếp quản công ty của gia đình. Tôi chỉ biết có vậy, vì tôi không hứng thú với người con trai mà ba mẹ chọn cho tôi, tôi cũng chẳng yêu ai từ lúc đi học đến giờ, cứ như trong tôi chẳng có hormone nữ vậy.
Để tự tặng cho bản thân một ngày an yên trước khi trở thành “vợ hiền, con đảm”, tôi cho phép mình tự đi mọi nơi mà không ai ràng buộc, mặc kệ chỗ tin nhắn chúc mừng của bạn bè cứ nhảy ting ting. Chúng bạn tôi mừng cho tôi lắm, vì chồng tương lai của tôi rất nổi tiếng từ thời còn đi học, anh vừa đẹp trai vừa giỏi lại giàu, ai chẳng ham. Nhưng tôi lại không ham. Chỉ thấy bức bối.
Tôi cho phép mình tự đi mọi nơi mà không ai ràng buộc. (Ảnh minh họa: Internet)
Tôi phóng xe một mạch trên con phố năm nào, nhìn ngắm chỗ hàng quán cũ nay đã đổi màu. Bất chợt, một quán cafe nhỏ nằm ngay ngắn trên con phố gần bờ sông mang tên “Tò he quán” đập vào mắt tôi, chuỗi kí ức lập tức hiện về. Tôi dừng xe rồi đi vào. Quán được trang trí phù hợp cho ba mẹ và bé, có thể vừa uống nước vừa nặn tò he, các bàn được xếp thành dãy cho các gia đình và các bé thoải mái trò chuyện với nhau.
Tôi khéo léo ngồi cạnh một mẹ và bé gái, bắt đầu nhào nặn thứ bột mịn màng đã lâu không chạm vào, nặn một hồi lại ra khuôn mặt một cậu bé – hình như tôi nhớ Cún rồi. Bé gái bên cạnh nhìn tôi nặn rất đẹp, háo hức năn nỉ ỉ ôi nhờ tôi bày. Tôi mỉm cười nhắc lại lời của Năm năm nào đã dạy tôi từ việc “thổi hồn” cho những con giống bé xinh tò he cho đến nước màu xanh đỏ từ thiên nhiên, vừa nói tay tôi vừa làm thành thục đến độ tôi không thể ngỡ.
Bỗng dưng có một giọng nam cất lên từ sau: “Cậu vẫn thích tò he như năm nào nhỉ?”
Tôi giật mình quay lại, thời gian có thể làm chúng ta trưởng thành nhưng không thể xóa đi được cảm giác. Tôi chắc chắn rằng đó là Cún. Cún nay đã trở thành một chàng trai khôi ngô, mái tóc đen óng cùng vòm ngực rắn chắc, đôi mắt sâu và nụ cười nhẹ tựa hơi sương. Trong phút chốc, tôi chẳng nói được gì cả, chỉ nhìn cậu ấy mà ngượng ngùng.
Trong phút chốc, tôi chẳng nói được gì cả, chỉ nhìn cậu ấy mà ngượng ngùng.(Ảnh minh họa: Internet)
“Cậu thấy quán của tớ đẹp chứ? Tớ muốn mọi người đều biết đến tò he, mọi gia đình và các bé đều yêu thích tò he. Tớ chờ một cô gái từ trẻ cho đến khi hóa thành một ông lão rồi đến hôm nay cô ấy mới tới đấy! ” – Cún cười lém lỉnh nhìn tôi
Tim tôi đánh thụp một tiếng. “Sao cậu không tìm tớ” – Tôi chẳng biết nói gì đối diện với Cún.
“Vì tớ biết cậu sẽ lại đến, như ngày nhỏ ấy. Không lẽ đã muộn sao?” – Cún trả lời
“Mai tớ cưới đấy, cậu nghĩ có muộn không?” – Tôi trách móc
“Tớ biết rồi. Chẳng phải cậu đã ở đây rồi sao? Tớ không cho ai lấy cậu đi nữa”
Chúng tôi nhìn nhau, mỉm cười. Hạnh phúc thật gần gũi, ngay xe hàng tò he năm ấy. Trong tiếng cười thơ trẻ đầy màu sắc. Chiều hôm ấy, tò he có đủ cả, có pikachu, doraemon, siêu nhân.... xanh xanh đỏ đỏ và hơn hết... vẫn còn vẹn nguyên.