Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một căn bệnh tâm lý rất nhiều người mắc phải nhưng lại không được biết đến nhiều. Câu chuyện của bà mẹ 3 con dưới đây khiến cho nhiều người phải ngậm ngùi thốt lên "sao lại giống mình thế!"
Câu chuyện được chia sẻ từ chị Vũ Thúy Hằng - Bà mẹ mắc triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và hành trình “vượt khó” để thay đổi bản thân giúp "nhẹ mình, nhẹ người".
>Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một loại bệnh tâm lý mà không ít người mắc phải nhưng lại không được nhiều người biết đến, chứng bệnh có thể ảnh hưởng tới cách suy nghĩ và hành vi tưởng chừng "quá lố" của người bệnh.
Tuy không nguy hiểm đến >sức khỏe hay tính mạng, nhưng những người bị bệnh sẽ luôn có tâm lý ám ảnh, lo lắng khi yêu cầu quá cao ở mọi thứ, không những khiến chính họ cảm thấy bị căng thẳng mà kể cả những người ở bên cạnh cũng cảm thấy khó mà "sống chung" với những người này. Đặc biệt, một số hành vi cưỡng chế phổ biến có thể dễ dàng nhận thấy đó là lau chùi, giặt giũ, kiểm tra và sắp xếp rất nhiều lần hoặc sưu tầm, tích trữ một món đồ gì đó đến mức "phát cuồng" vì chúng...
Vốn là một người kĩ tính, cầu toàn, luôn muốn mọi thứ hoàn hảo nhất có thể nên khi chung sống với chồng một thời gian, chị Hằng từ một người dịu dàng biến thành chị vợ kĩ tính, hay rình mò và tối ngày ca cải lương về lối sống của chồng. Không chỉ riêng mình thay đổi, mà theo chị Hằng nhận xét: "Anh yêu của mình từ con Nai hiền lành nay bỗng hóa thành đệ nhất lười".
Chị cho biết, chồng chị là người đam mê và luôn hết mình với công việc, nên những lúc đi làm về mệt là anh "phó thác" hết việc nhà cho vợ. "Mình nói nhiều thì mới làm nhưng làm không đến nơi đến chốn, mình không ưng lại phải làm lại", chị Hằng tâm sự.
Chị kể ra những triệu chứng OCD mà mình đang gặp phải nhưng lúc đó vẫn chưa phát hiện: "Mình rất sợ cảm giác đi làm về, mở cửa ra mà nhà cửa không ngăn nắp. 10h đêm mà nhà còn có chút bụi cát là cũng phải vác máy đi hút bụi, lau nhà. Chồng mình đi làm về quần áo thay ra hoặc để đồ không đúng chỗ là mình nhắc nhở luôn. Nhiều khi bực quá mình hét lên: "Hiển ơi! Sao anh lôi thôi thế?"", thậm chí nhiều khi quá đáng, chồng không chịu được mà phải hét lại: "Anh có tới 3 bà mẹ rồi đấy! Mẹ đẻ, mẹ vợ và mẹ Hằng".
Căn bệnh OCD bị "chìm" trong quên lãng, cho đến một ngày, khi cả gia đình chị Hằng quyết định dọn sang nước ngoài sinh sống, cuộc sống lúc đó vô cùng khó khăn. Lúc ấy, ở nhà chẳng biết làm gì chị Hằng chỉ đành kiếm việc lau chùi, dọn dẹp. Lúc con đã lớn hơn, chị cũng đi làm, đi sớm về hôm, mặc dù bận rộn cả ngày nhưng vẫn phải luôn đảm bảo nhà cửa sạch sẽ, láng bóng.
Chị Hằng tâm sự: "Người ta mệt thì phải đi nghỉ, nhưng mình mệt mà nhà chưa gọn gàng, ngăn nắp thì không nghỉ nổi". Lắm lúc, có những hôm, dù đã lên giường nằm rồi, nhưng chợt thấy ám ảnh cái bếp chưa sạch, chị lại "bò" dậy dọn cho xong mới yên tâm đi ngủ.
Đỉnh điểm nhất là khoảng thời gian công việc của chị Hương kéo dài từ 9h sáng đến 7h tối, đã ăn ít, lại mất ngủ nên cơ thể bị suy nhược trầm trọng, khi ấy chị Hương rất hay cáu gắt. Đặc biệt, mỗi khi làm về mà thấy nhà bừa bộn là chị sẽ như nổi cơn tá hỏa, những "trận lôi đình" vô tình "giáng" xuống 3 đứa con bé bỏng. "Hồi ấy câu thần chú của mình là: "Mẹ đếm đến 3 không dọn nhanh là mẹ tống vào thùng rác!". Tất nhiên là con mình dọn vội dọn vàng và chạy mất dép" - Chị Hương thành thật chia sẻ.
Vì quá kĩ tính, nên lúc đó những đứa bé trong nhà rất sợ mẹ của mình. Chị Hương luôn luôn cố gắng đưa các con vào nề nếp với những câu mệnh lệnh ép buộc: "Con phải để đồ gọn vào!", "mẹ vừa dọn xong, con lại hàn bừa ra, con xếp lại cho mẹ!"... Đến mức chồng phải nói chị giống như một "bà phù thủy" khiến trẻ con sợ hãi.
Nhận thức được mình là một người mẹ không tốt, chị Hương lúc ấy tìm hiểu và biết mình đang bị mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Sau đó đã quyết tâm lên kế hoạch để thay đổi.
Từ đó về sau, chị không còn nhiều yêu cầu quá khắt khe, cứng nhắc với chồng và con nữa, thay vào đó chị đồng hành cùng con, tập cho các con làm việc nhà, phân chia công việc cho từng bé và để các con phải tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình.
Chị cũng thay những câu mệnh lệnh trước kia thành những câu "nhờ vả" như một người bạn: "Anh Nhím giúp mẹ làm việc này nhé!", "Em Jenny dọn đồ chơi giúp mẹ đi con!"...Đôi khi có những lúc các con làm chưa vừa ý, chị lại chép miệng đọc câu thần chú: "Trẻ con làm được vậy là tốt rồi, lần sau sẽ tốt hơn!".
Bây giờ, lúc rảnh rỗi thay vì đi tìm bụi để lau chùi, chị Hương sẽ lên mạng tìm học các công thức dạy nấu ăn để bổ sung thêm những món mới cho cả gia đình.
Căn nhà hiện tại có thể không phải lúc nào cũng láng bóng, tinh tươm được như lúc trước, nhưng với cuộc sống hiện tại, với sự nỗ lực thay đổi, không chỉ chị Hương mà còn tất cả các thành viên trong gia đình đều cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Vậy nên "nhà là nơi vỗ về, nghỉ ngơi của chúng ta sau mỗi ngày dài làm việc mệt mỏi. Thế nên hãy cố để thoải mái, thả lỏng tinh thần và cảm nhận được sự bình yên của Nhà", chị Hương chia sẻ.