Gặp nhau giữa chiến trường để rồi bịn rịn xa nhau và lạc mất nhau đến cuối cuộc đời. Những tưởng tình yêu trong họ đã chết theo những đau thương cuộc đời nhưng lại bùng cháy mãnh liệt vào tuổi xế chiều.
Sáng sáng người ta thường thấy một ông già có vẻ gầy yếu thong thả đếm từng bước trên giải phân cách giữa đường Nguyễn Chí Thanh - con đường đẹp nhất của Hà Nội.
Giữa hai dòng xe tấp nập ngược xuôi, giữa những toà cao ốc mới mọc lên đồ sộ, ông như một người lạc lõng giữa dòng đời. Nhìn con người dáng vẻ mỏi mệt ấy, mấy ai ngờ đó là một cựu chiến binh từng xông pha nhiều trận mạc trên những nẻo đường ác liệt của Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ.
Ngày ấy cách đây hơn nửa thế kỷ, Tường - chàng sinh viên Đại học Giao thông mới ra trường viết đơn bằng máu xung phong vào chiến trường miền Nam giữa lúc đang vô cùng ác liệt.
Ảnh minh họa
Những năm tháng lăn lộn trong mưa bom bão đạn của quân thù và những trận sốt rét khiến anh kiệt sức. Đến khi đồng đội đào bới lôi được anh ra sau một đợt bom vùi và khiêng tới một đội phẫu tiền phương, ai cũng tưởng chắc lần này anh khó qua khỏi.
Năm ấy Tường đã 30 tuổi, một “tuổi thọ” hiếm có ở chiến trường. Nữ bác sĩ phụ trách đội phẫu là thiếu uý Mai mới 24 tuổi, nhận được chỉ thị của cấp trên phải cứu sống Tường bằng mọi giá bởi một kỹ sư giao thông thuộc lòng từng cung đường Trường Sơn như anh là tài sản vô giá của quân đội.
Mai quyết định tiếp máu cho Tường nhưng máu dự trữ không còn. Trừ thương binh ra, chỉ còn bốn người có thể cho máu nhưng sau khi thử máu, chỉ mình Mai có nhóm máu tiếp được cho Tường.
Không do dự, bác sĩ Mai tự nguyện lấy máu của mình tiếp cho anh hai lần, nhờ thế mà anh thoát chết.
Nhưng sau khi cho máu quá nhiều, nữ bác sĩ trẻ vốn gầy yếu cũng trở thành bệnh binh. Từ đó, bên cạnh tình đồng đội, họ còn gắn bó với nhau bởi ơn cứu tử.
Tường nằm lại bệnh viện gần một tháng trời mới bình phục. Nhiều buổi hai người >tâm sự với nhau bên giường bệnh rồi những buổi đi hái rau rừng ven bờ suối, họ gắn bó với nhau thân thiết vô cùng. Thì ra cả hai cùng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội.
Ảnh minh họa
Ngày Tường xuất viện, họ không biết có còn gặp lại nữa không, cả hai cùng lưu luyến không rời. Tường cầm tay Mai bồi hồi xúc động hẹn sau ngày chiến thắng nếu còn sống nhất định sẽ tìm nhau. Mai tiễn anh đến tận bờ sông mới quay trở lại.
Nhưng chỉ bốn tháng sau, Tường lại được khiêng vào bệnh viện vì bị bom vùi lần nữa và anh buộc phải ra Bắc điều trị. Mấy năm sau trong Viện quân y 108 ở Hà Nội, Tường gặp một đồng đội cũ báo cho anh tin sét đánh: Đội phẫu tiền phương của bác sĩ Mai bị trúng bom B52 rải thảm, hầu như không còn ai. Tường đau đớn đến ngơ ngẩn mất mấy ngày.
Mấy năm sau, khi thấy tuổi Tường đã nhiều, gia đình nhờ người mai mối cho anh lấy vợ và sinh được hai người con trai. Tuy nhiên, chỉ sau đó ít lâu, Tường lại phải chịu đựng nỗi đau lớn, người vợ anh đột ngột qua đời vì ung thư gan.
Từ đó anh sống cảnh gà trống nuôi con, dù ai nói thế nào cũng không lấy vợ nữa. Niềm an ủi lớn nhất của vị đại tá về hưu là hai cậu con trai đều vào đại học, sau đó trưởng thành, xây dựng gia đình riêng. Ông Tường với mái tóc bạc trắng cũng đã có ba cháu nội.
Nhưng đời thật lắm bất ngờ. Trong cuộc họp mặt các chiến sĩ Đoàn 559, ngờ đâu tưởng như trong mơ, ông tình cờ gặp lại bác sĩ Mai, người đồng đội đã lấy máu mình cứu sống ông ở chiến trường.
Thì ra cả hai ông bà, người nọ tưởng người kia đã hy sinh. Bà Mai cũng đã lấy chồng, sinh được một người con gái và chồng bà cũng đã qua đời trong một tai nạn máy bay khi đang đi công tác.
Sau những giây phút bàng hoàng không tin vào mắt mình, ông Tường ôm choàng lấy bà Mai nước mắt rưng rưng mừng hơn chính mình sống lại. Hai người tâm sự hàn huyên không rời nhau ra suốt một ngày. Từ đó, ông bà thường hay qua lại thăm nhau, dù ở cách xa hai đầu thành phố.
Cho đến một hôm, cơn đau tim đột ngột làm ông Tường không gượng dậy được. Biết tin, bà vội vã đến thăm ông. Không biết vì bà vốn là bác sĩ hay vì tình cũ nghĩa xưa đầm ấm mà ông lại bình phục.
Sau một hồi đắn đo, ông chân thành đề nghị bà đến sống với ông cho có bầu có bạn lúc tuổi già, vì ngày nào bà cũng đi lại thế này rất vất vả. Mới đầu, bà Mai phân vân lắm nhưng sau thấy ông chân thành quá, vả lại con bà đang ở nước ngoài, một mình nhiều lúc cũng cô đơn nên bà nhận lời.
Thế là từ hôm đó, người ta thấy ông già không đi thể dục một mình nữa mà luôn có một người phụ nữ bên cạnh, hai người vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ.
Điều kỳ lạ là từ đó ông Tường khoẻ hẳn ra. Đôi mắt ông có một hồi đã lờ đờ, giờ như long lanh trở lại. Trái tim ông có lẽ do được sưởi ấm bởi tình yêu lại trở về nhịp đập bình thường. Những người ở gần, ai biết chuyện tình của ông bà cũng cảm động, đều chúc mừng hai tuổi già tìm thấy hạnh phúc cuối đời.
Ảnh minh họa
Nhưng... cuộc đời vẫn có những chữ “nhưng”. Vợ chồng người con trai thứ hai của ông Tường từ nước ngoài trở về, thấy bố đưa một bà già ở đâu về sống chung, cho là không ổn.
Hai anh em với hai người con dâu bàn nhau một hồi lâu. Ngộ nhỡ bây giờ bố đột ngột qua đời vì bệnh đau tim, số tiền tiết kiệm của bố về tay bà ấy thì sao? Mà không chừng căn chung cư cũng thành nhà của bà ấy nốt?
Người anh cho rằng khi bán ngôi nhà cũ, anh em mình ai cũng có phần thoả đáng rồi còn thắc mắc gì nữa. Cả đời bố gian nan vất vả rồi, giờ bố thích sống với ai là tùy bố.
Nhưng ngay hôm sau người chị dâu với hai vợ chồng người em kéo nhau đến gặp bố. Không biết họ nói gì chạm lòng tự trọng của bà Mai mà sau đó bà nhất định đòi trở về nhà mình, ông nói thế nào cũng không được. Và cũng từ hôm ấy ông đổ bệnh. Những cơn đau tim nối tiếp nhau, ông phải đi cấp cứu ở bệnh viện.
Nghe tin bà Mai tất tả vào thăm. Như có liều thuốc tiên ông hồi phục rất nhanh. Ngày ra viện ông lại khẩn khoản mời bà về ở cùng. Đến lúc này những người con mới hiểu ra hai ông bà đã tình sâu nghĩa nặng từ hồi trẻ, nay tuổi xế chiều vẫn mong được sống bên nhau. Họ xúm vào nói giúp ông khiến bà Mai cảm động không nỡ chối từ.
Mùa Xuân lại trở vẻ tô thắm tình yêu của hai cựu chiến binh. Trên chuyến xe về nhà, bà đỡ ông ngồi tựa vào vai mình. Hai mái đầu bạc kề bên nhau, những gương mặt rạng ngời hạnh phúc.