Khôn ngoan hay là cố chấp khi phụ nữ đã xác định được rằng người đàn ông mà đã bao lần sai lầm mà mình tha thứ lại cứ tiếp tục sai?
Trong khu tôi ở có một chị bạn trạc tuổi tôi, 23 tuổi tôi vẫn đang phải cố gắng để tự lo cho bản thân mình thì chị đã một mình gồng gánh nuôi con. Chị quen chồng lúc 17 tuổi và đẻ sớm đứa đầu tiên, chồng chị không có nghề nghiệp ổn định, sớm đi biển theo đoàn đánh cá, tối về lại tổ chức nhậu nhẹt, quậy phá. Chị cũng chẳng giàu có gì, sự nghiệp trong tay chỉ có gánh hủ tiếu, ngày ôm con ra chợ vừa buôn vừa trông con, tối về lại chịu trận của gã chồng say mèm.
Tôi mẩm chắc rằng nếu chỉ có vậy, chị hoàn toàn chịu đựng được tất cả vì chị rất yêu chồng và thương con. Tất cả những gì chị muốn đó là con có đủ cha mẹ và dù anh ta có đánh đập nhưng chỉ cần anh ở bên cạnh thì chị đã mãn nguyện rồi. Cho đến một hôm, tối mịt chị mới về vì hôm nay khách ế, chị đẩy xe hủ tiếu vào sân rồi bồng con vào nhà thì thấy gã chồng đang “hì hục” với một ả đàn bà trên chiếc giường của 2 vợ chồng.
Vào nhà thì thấy gã chồng đang “hì hục” với một ả đàn bà trên chiếc giường của 2 vợ chồng.(Ảnh minh họa: Internet)
Nếu lúc đó chị đau lòng một thì khi con chị thấy được điều đó chị lại đau lòng mười. Chị vội che mắt con rồi ôm con chạy sang nhà tôi. Vốn hiểu được chị chịu đựng nhưng cũng hiểu được chị không muốn mất gia đình này, tôi chỉ đành ngậm ngùi khuyên chị sớm nói chuyện với anh ta để cả hai cùng giải quyết rồi bảo chị ở lại nhà tối nay.
Chỉ là ngay hôm sau, tôi không biết hai người đã nói gì nhưng lại thấy gã chồng khăn gói đi biệt tích theo ả đàn bà kia, còn chị thì khóc nghẹn mấy ngày liền đến chả buồn lo cho con. Cứ ngày ngày tan tầm tôi lại sang chơi với con chị và dỗ dành chị. Đến lúc chị nguôi ngoai hơn thì cũng là lúc gã đàn ông kia trở về và xin chị cho anh ta cơ hội được làm lại với bao hứa hẹn. Đương nhiên, chị vui mừng đồng ý.
Nhưng đó chỉ là lời hứa, sau khi về nhà, anh ta lại chứng nào tật nấy, không những nghiện rượu, lại còn hút chích, không chịu đi làm. Tiền chị làm được dăm ba đồng để lo cho con cũng bị gã cuỗm rồi lại biệt tích mất. Ngay hôm sau, bà Ba đầu ngõ báo chị là gã đang tằn tịu với một người đàn bà ở căn nhà của ả. Chị lập tức ôm con đi đánh ghen, nhưng đến nơi, hai bên chửi bới nhau được dăm ba câu thì gã nhào đến vả vài phát vào mặt chị và ôm ả đàn bà kia an ủi, mặc cho đứa con khóc rống lên.
Gã nhào đến vả vài phát vào mặt chị và ôm ả đàn bà kia an ủi. (Ảnh minh họa: Internet)
Từ hôm đó, tôi cứ ngỡ chị đã hiểu hơn về mặt tối của gã chồng, và rằng anh ta chẳng thể tu tâm dưỡng tính được hơn nữa. Thì được vài hôm anh ta lại mò về, chị cũng như mọi lần chọn tha thứ.
Có lẽ chị muốn con mình có đầy đủ cha mẹ, có lẽ chị có nỗi khổ tâm riêng mà một người chưa lập gia đình như tôi không thể hiểu hết được. Nhưng chị có nghĩ lựa chọn tha thứ chính là giải pháp tốt nhất cho con hay chí ít là cho bản thân chị? Tôi không biết chị chịu đựng bao nhiêu, nhưng tôi lại thương đứa bé khi nó không có cả quyền quyết định về một gia đình hạnh phúc. Thực ra, quyết định hạnh phúc chính là nằm trong tay chị, buông bỏ có thể khó nhưng biết đâu buông bỏ chính là giải pháp tốt nhất cho những tổn thương mà chị đã trải qua.
Thế giới 7 tỷ người, thiết nghĩ phụ nữ có phải đang tự làm khổ bản thân quá không khi tin rằng trên đời này chỉ có một người là dành riêng cho mình. Nếu đúng là vậy thì tại sao đàn ông lại được dăm bảy ả, còn đàn bà thì cứ cắn răng mà chịu đựng và nuôi hi vọng mọi sự sẽ quay lại như xưa. Nếu nặng tình như vậy thì mối quan hệ mà chị đang cố gắng níu giữ liệu có còn vẹn nguyên?