Đàn bà ở đời, đau đớn, ghen tuông, mệt mỏi cũng chỉ vì hai chữ “sợ mất”. Sợ không giữ được nên không được buông dù tay đã mỏi nhừ rướm máu. Sợ đánh mất nên luôn phải giữ bên mình, dù là một trái tim đã cạn nghĩa cạn tình.

Q.A (t/h) 20:32 15/09/2022

Tôi không đếm được số lần chị tôi bị chồng đánh, cũng như số lần chị bồng con đến khách sạn tìm chồng và nhân tình. Hình ảnh chị với gương mặt vẫn còn vết bầm, đôi mắt đỏ lên, môi bậm lại đến bật máu luôn khiến tôi ám ảnh suốt mấy năm nay.

Vì trong tôi, chị từng là người phụ nữ xinh đẹp, tự tin với không ít đàn ông theo đuổi. Chị chọn anh rể là người bạn thân từ nhỏ, vì anh từng kiên trì đợi chị rất lâu, vì chị tin anh sẽ không thay đổi. Vậy mà, khi chị vừa sinh con thứ hai thì biết chồng ngoại tình.

Cơn ghen của chị dữ dội như bao người phụ nữ bị phản bội khác. Chị không còn hiền lành biết điều nữa, những cô nhân tình của anh rể không mất việc thì cũng bị điều tiếng nhơ nhuốc. Và chính chị cũng chịu đớn đau, từ những cái tát đau điếng của chồng, từ nỗi đau dai dẳng bị phản bội nhưng không thể buông tay.

Đau lòng nhất chính là khi anh rể tôi đến cầu mong mẹ tôi khuyên nhủ để chị tôi đồng ý ly hôn. Trong khi 7 năm trước, chính anh là người đến xin phép mẹ tôi để được cưới chị. Anh ta sắm vai một người đàn ông chân chính biết lỗi và nhận hết mọi tội lỗi về mình, và trách không thể hòa hợp với người vợ như chị tôi. Mẹ tôi cho anh ta một bạt tai đau điếng. Bà chỉ hỏi anh ta, kẻ đã ngoại tình thì quyền vứt bỏ người khác sao? Anh ta lại bảo, chính chị là người biến anh ta thành kẻ tồi tệ…

Ảnh minh họa: Internet

 

Đêm ấy, tôi tìm đến nhà chị. Chị vẫn không gỡ xuống vẻ bề ngoài đầy hận thù và đôi mắt như chưa từng dừng khóc. Tôi hỏi chị, sao phải đến mức này? Sao phải để mình mất mát đến không còn mặt mũi kiêu hãnh, có đáng vì một người đàn ông như thế không?

Chị tôi im lặng hồi lâu, rồi chỉ nói với tôi một câu: “Đó không phải là gia đình của em, em không sợ mất!”.

Khi ấy, tôi không đáp lại được câu nói của chị. Vì hai chữ gia đình với bất cứ ai có bao giờ mà không lớn lao. Huống hồ, chị là người vợ, người mẹ, giữ nhà giữ gia đình là niềm tin, là sức sống của cả đời chị. Ngay cả khi ở đó có một người đàn ông đã làm đau chị suốt bao tháng ngày, là nơi chị mất nước mắt và máu để giữ gìn thì chẳng ai có thể buộc chị buông tay. Không ai cả, không một ai, ngoại trừ chính bản thân chị.

Rất lâu sau này, chị mới kể với tôi, nếu không có ngày hôm đó, chắc chị vẫn u mê trong cố chấp của riêng mình.

Hôm ấy, chồng đánh chị. Con gái lớn của chị chạy vào can, bị chính chồng chị đẩy xuống cầu thang. Con bé phải khâu 10 mũi trên trán, một vết sẹo dài không gì có thể tẩy xóa. Đó là lần đầu tiên trong suốt bao năm, chị không còn muốn tiếp tục nữa.

Chị từng sợ mất gia đình, mất chồng, mất thứ hạnh phúc chị vun đắp. Chị từng nghĩ cứ cố thêm một chút nữa, một ngày nữa, một năm nữa, có phải mọi thứ sẽ lại như cũ? Chị vẫn nuôi hy vọng chồng sẽ thay đổi, sẽ không bội tình và cạn nghĩa. Nhưng nỗi sợ của chị, hy vọng của chị đều vô ích rồi. Người ta chỉ nên sợ mất khi thật sự có đủ đầy trong tay. Người ta chỉ còn hy vọng khi còn hạnh phúc để níu giữ. Đằng này, chị có còn giữ được gì đâu, dù là người chồng từng thủy chung, hay một mái ấm yên vui đã từng. Tất cả vốn đã không còn lâu rồi, chỉ là chị cố chấp đến mù quáng.

Đàn bà ở đời, đau đớn, ghen tuông, mệt mỏi cũng chỉ vì hai chữ “sợ mất”. Sợ không giữ được nên không được buông dù tay đã mỏi nhừ rướm máu. Sợ đánh mất nên luôn phải giữ bên mình, dù là một trái tim đã cạn nghĩa cạn tình. Sợ không còn nên cứ mù quáng cố chấp vô biên. Để rồi quên rằng hạnh phúc thật sự đâu cần ta phải sợ mà giữ, người đã không đáng cũng đâu cần ta phải giành. Nên là sợ mình đau, sợ con đau, sợ tương lai mình mất mát, chứ sợ làm gì khi mất một kẻ đã bội tình bội nghĩa, phải không.

Q.A (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe