Bằng những phương thức đơn giản nhờ cách tiết kiệm tiền, chỉ với 30% thu nhập hàng tháng, cô gái đã thực hiện được ước mơ từ rất sớm, tự lo cho mình cuộc sống đủ đầy mà không thua kém bất kì ai trong khi còn dư 2 triệu USD gửi tiết kiệm ngân hàng.

Thanh Thảo (TH) 14:49 20/03/2021

Theo tờ CNBC cho biết, mới đây, một blogger có bút danh JP Livingston trên The Money Habit vừa thảo luận về >cách tiết kiệm tiền giúp cô ấy có sự độc lập về tài chính trong tâm trí từ khi còn nhỏ. Khi chỉ mới 12 tuổi, cô đã có hứng thú với việc tiết kiệm và đầu tư, sau khi đọc một cuốn sách về giàu - nghèo. 

Sau bảy năm làm việc, cô đã gây dựng được khối tài sản trị giá 2,25 triệu USD, 40% trong số đó đến từ đầu tư và 60% từ tiết kiệm. Suy cho cùng, mục đích cuối của việc đi làm là để khi về già sẽ được nghỉ ngơi và hưởng thụ một cách trọn vẹn nhất. Dưới đây là 4 bí quyết mà cô gái New York đã áp dụng, tiết kiệm được đến 70% thu nhập mỗi tháng và giúp cô đạt được >tự do tài chính, sớm về hưu ở độ tuổi 28.

1. Xác định đâu là khoản chi tiêu cần thiết, cắt bỏ các khoản dư thừa

Sống ở thành phố sang trọng thuộc tiểu bang New York, các khoản phí lớn ở nơi đây bao gồm chi phí nhà ở, phương tiện đi lại và thực phẩm ăn uống, JP Livingston đã tính toán cẩn thận và đưa ra quyết định sẽ hạn chế đến mức tối thiểu các khoản chi phí không cần thiết nếu nằm trong khả năng. Cụ thể, thay vì sống trong một căn hộ cao cấp, tận hưởng dịch vụ theo đúng thu nhập lúc bấy giờ thì cô lại chọn sống chung với người bạn của mình trong một căn nhà 3 tầng không quá đầy đủ tiện nghi, phải đi lại bằng thang bộ ở Upper East Side nhưng chỉ mất 1.050 USD/tháng – một mức giá hợp lý và rẻ hơn nhiều.

Livingston còn chia sẻ thêm: “Tôi mới chỉ vừa tốt nghiệp đại học và đã quen sống trong những căn phòng không có tiện nghi sang trọng. Mặc dù thuê được với mức giá như vậy cũng khá ổn nhưng tôi biết vẫn có nhiều bạn bè của mình còn thuê nhà chỉ tốn 400-600 USD/tháng”.

Cô nói rằng số tiền mà mình làm ra nên được tập trung vào những khoản phí thực sự đáng để đầu tư.


 JP. Livingston chia sẻ tiền mà mình làm ra nên được tập trung vào những khoản phí thực sự đáng để đầu tư - Ảnh minh họa: Internet

Lối sống ấy theo cô cho tới hiện tại, khi đã kết hôn, mặc dù sở hữu cả triệu USD trong tài khoản nhưng cô và chồng mình vẫn duy trì phong cách đơn giản, lựa chọn sống trong căn hộ một phòng ngủ với diện tích 28m2 và chỉ phải chi trả 2.400 USD/tháng cho cả hai người.

Nhờ những tính toán khôn ngoan, cắt giảm phần lớn khoản chi tiêu không cần thiết, đã giúp Livingston tiết kiệm được phần lớn tiền để đầu tư vào những tài sản gia tăng, giúp cô thu về hàng trăm đô la mỗi tháng.

2. Mua lại đồ cũ với giá rẻ

Thay vì mua những mặt hàng với giá niêm yết đắt đỏ, Livingston tận dụng mua lại những món đồ cũ với giá chưa đến 50% lúc bán ra ban đầu trên Craiglist. Nhờ có sự quan sát lối sống sinh hoạt, cô biết được mức độ chuyển chỗ ở của người dân New York rất cao, khiến thành phố này trở thành nơi lý tưởng cho việc mua bán đồ cũ, đặc biệt qua các chợ trực tuyến.

“Thường các món đồ được sử dụng không quá một năm, chỉ vì có quá nhiều người chuyển đến hay rời đi khỏi thành phố. Có rất nhiều người chỉ sống ở đây vài năm rồi đi nơi khác” – cô chia sẻ.


Thay vì mua những mặt hàng với giá niêm yết đắt đỏ, Livingston tận dụng mua lại những món đồ cũ với giá rẻ - Ảnh minh họa: Internet 

Ngoài ra, việc mua lại đồ cũ còn giúp Livingston có thể “sửa sai” bất cứ lúc nào. Bởi vì theo cô, đồ mới một phần nào đó sẽ ràng buộc chúng ta, còn với đồ cũ “nếu lỡ mua phải một món đồ gì đó nhưng sau đó lại không có nhu cầu sử dụng, tôi có thể bán đi với một mức giá hợp lý cho người nào thực sự cần”. Như vậy lại tiện cả đôi đường.

3. Quy đổi mệnh giá món hàng định mua ra số giờ làm việc

Một chiến lược để tránh tiêu xài hoang phí mà Livingston luôn dùng để nhắc nhở bản thân đó là: “Nếu muốn tiết kiệm, đừng chỉ nhìn vào mệnh giá được niêm yết trên sản phẩm, hãy tính xem nó tương đương với bao nhiêu giờ làm việc của bạn”.

Với một phép tính đơn giản, chia số tiền của sản phẩm mà bạn định mua cho số giờ làm việc hàng ngày, bạn sẽ biết được khoản tiền mà bạn cần phải chi trả là bao nhiêu.

Giả sử, nếu mỗi giờ bạn kiếm được 20 USD, bạn muốn mua một chiếc iPhone mới giá 700 USD, bạn cần phải làm việc 35 giờ không nghỉ. Một tối đi chơi tiêu hết 100 USD đã lấy mất của bạn 5 giờ làm việc. Một chiếc áo 40 USD có giá trị bằng 2 giờ làm. Hãy tự hỏi mình, món hàng đó liệu còn xứng đáng để mình phải bỏ tiền ra?


 Chiến lược 'đừng chỉ nhìn vào mệnh giá được niêm yết trên sản phẩm, hãy tính xem nó tương đương với bao nhiêu giờ làm việc của bạn' - Ảnh minh họa: Internet

Livingston còn nhấn mạnh, để tiền có thể tự sinh sôi, ta không thể chỉ tiết kiệm, như vậy đồng tiền sẽ “chết” mà phải dùng số tiền có được đầu tư vào các hạng mục gia tăng lợi nhuận. “Nếu bạn vượt qua sự nhận thức giới hạn, tức là nghĩ về những điều mà không thể chỉ tiết kiệm mỗi ngày mà phải khiến số tiền mình có phải làm việc cho bạn, lúc đó bạn sẽ biết cách sử dụng tiền”, cô khuyên.

Cắt giảm cà phê mỗi ngày không chỉ giúp bạn tiết kiệm được 5 USD ngay lúc đó mà bạn còn tiết kiệm được 1.825 USD/năm và nó có thể sinh lãi trong tài khoản đầu tư. Giữ khoản tiền đó trong 10 năm, cộng khoảng 8% lợi tức, bạn sẽ có hơn 33.000 USD.

4. Tận dụng những hàng quán không quá đắt đỏ

Ở một nơi đông đúc, nhộn nhịp như New York, các quán ăn, quán bar, tiệm đồ uống... là vô cùng nhiều, với một người có thể dùng cả đời để đi thăm cũng không hết. Người ta có thể được thưởng thức nhiều phong cách ẩm thực khác nhau trên thế giới với những mức giá cũng rất đa dạng.

Nếu ngôi nhà bạn quá nhỏ để có thể tiếp đón nhiều người, bạn không nhất thiết phải đến những nơi bán một ly cocktail với giá 16 USD để trò chuyện với bạn bè, hay những nhà hàng sang trọng để thiết đãi. Livingston tìm thấy nhiều nơi rẻ hơn mà vẫn rất vui vẻ và sang trọng để có thể mở rộng các mối quan hệ xã hội và vui chơi với bạn bè của mình.


 Quán ăn giá chỉ 3 - 5 USD cũng đủ để tiếp đãi bạn bè - Ảnh minh họa: Internet

Có rất nhiều quán cà phê với đồ uống, thức ăn giá chỉ 3-5 USD để cô có thể tụ họp cùng mọi người.

Câu chuyện của nữ blogger muốn gửi gắm chúng ta một điều, dù thu nhập của bạn ở mức 6 con số, 7 con số hay thậm chí là 8,9 con số nhưng nếu trong sinh hoạt, bạn không biết cách tiết kiệm tiền, cũng không có kiến thức quản lý tài chính tốt thì cuối cùng cũng sẽ phải sống "thắt lưng buộc bụng", nợ nần chồng chất.

Thanh Thảo (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe