Ngày yêu nhau, Thành rất chăm chỉ phụ tôi làm việc nhà mỗi lần anh đến chơi. Nhưng rồi, sau đám cưới, chồng quay ngoắt 180 độ khiến tôi chán chường.
Sau gần 1 năm yêu nhau, tôi với Thành chính thức nên duyên vợ chồng. Ban đầu khi đến với anh, những người quen biết Thành đều nói tôi không nên đâm sâu vào mối quan hệ này. Bởi Thành là cậu con trai mà bố mẹ anh cố mãi mới có. Chính vì vậy, từ nhỏ anh đã được chiều hết mức, không phải động tay chân việc gì, kể cả quét tước, dọn dẹp, nấu ăn.
Nhưng lúc đó tôi lại không thấy chồng mình như vậy. Ngày yêu nhau, mỗi lần sang phòng bạn gái chơi, Thành luôn vui vẻ phụ tôi nấu cơm, dọn dẹp. Những hôm nhà tôi hết nước uống, anh còn chủ động xuống tạp hóa mua hẳn 1 bình 20 lít rồi khệ nệ bê lên phòng bạn gái (phòng của tôi nằm ở tầng 4).
Chỉ đến khi về ở chung một nhà, tôi mới ngã ngửa vì chồng thay đổi toàn tập. Anh có quan điểm rằng: "Đàn ông không phải làm việc nhà". Mẹ chồng cũng cổ súy cho suy nghĩ đó của chồng. Mỗi lần tôi nhờ Thành làm hộ mình 1 việc gì đó, kể cả việc rất nhỏ như bê hộ tôi chậu quần áo lên tầng để phơi, hay xếp hộ tôi đống bát đĩa bẩn sau khi ăn cơm xong vào trong bồn rửa (vì tôi đang bận cho con ăn)... có thế thôi mà mẹ chồng cũng mặt nặng mày nhẹ với con dâu. Bà luôn mắng tôi rằng, đàn ông mà đeo tạp dề thì chẳng làm được việc gì hết!
Được mẹ chiều, chồng càng thêm lười và ỷ lại vào vợ. Hôm nào không phải đi làm, Thành ngủ đến trưa mới dậy. Ăn xong là anh lại ra ngoài, đi cà phê, uống bia, chơi game, hoặc đá bóng... với hội bạn.
Phòng ngủ của 2 vợ chồng, tôi không dọn thì thôi, còn bẩn mấy anh cũng chịu được. Có những hôm đi làm về, bước vào phòng, lập tức tôi bị tăng xông. Quần áo chồng thay ra anh ném luôn giữa giường. Mà chồng tôi là kỹ sư xây dựng, thường xuyên phải ra công trường nghiệm thu nên rất bụi bặm, chưa kể mùi mồ hôi chua loét của anh nữa.
Nhà tôi không có máy giặt. Quần áo của cả nhà, tôi đều phải giặt bằng tay hết. Nhưng mỗi lần đề nghị chồng mua máy giặt, anh lại gạt đi và bảo: "Em làm công to việc lớn gì mà không giặt được? Cái gì nên tiết kiệm thì phải tiết kiệm".
Bực nhất là hôm kia về quê chồng ăn giỗ. Anh là cháu đích tôn của dòng họ nên tự cho mình cái quyền "chỉ tay năm ngón". Trong khi tôi và 1 em dâu con nhà chú lúi húi nấu ăn cả buổi, tổng hơn 15 mâm cơm thì chồng lại ngồi trên nhà, thảnh thơi tán phét với các bậc cha chú. Chốc chốc chồng lại xuống bếp, giở giọng trịch thượng hỏi tôi: "Cỗ bàn đã xong chưa? Có hơn chục mâm cỗ mà chị em các cô làm ăn lâu vậy? Mọi người đến hết rồi, bắt các chú các bác phải đợi đến bao giờ. Đúng là giao việc cho các cô là không yên tâm được. Việc gì cũng phải tôi nhúng tay...".
Đến bữa ăn, khi các mâm cỗ được dọn lên, Thành lại chê hết cái này đến cái nọ. Anh vênh mặt thể hiện: "Sao lòng gà xào giá, mướp lại cho gừng? Thịt gà chặt miếng to miếng nhỏ? Nem rán thiếu tương ớt để chấm à...". Những thắc mắc của Thành đều... hâm không chịu được, nhưng anh thích thể hiện như vậy đấy!
Sau bữa, một bác gái trêu chồng tôi rằng: "Vợ đã nấu ăn thì đến lượt cháu đích tôn đi rửa bát nhỉ". Thành thản nhiên nói rằng: "Đấy là chức phận của đàn bà. Cháu mà làm thì còn ra thể thống gì nữa. Việc của đàn ông là ra ngoài xã hội kiếm tiền để cho vợ con hưởng...".
Nghe thế, tôi liền đáp lời luôn: "Thế tháng sau anh đưa lương cho em nhiều 1 chút để em còn biết mùi vị được hưởng nó như thế nào? Chứ tháng nào anh cũng đưa có 3 triệu, tiền ăn của anh ở cái nhà này còn chẳng đủ nữa là còn dư cho vợ con sống sung sướng... Anh cứ nói thế mọi người lại nghĩ em chỉ biết hưởng thụ, tiêu tiền của chồng. Trong khi đó, em có tiếng lại chẳng có miếng".
Sau khi tôi nói, mọi người đều lắc đầu ngán ngẩm về Thành. 1 bác hỏi tôi: "Đưa lương thế thì ở nhà Thành nó làm gì?". Tôi cũng thẳng thừng luôn: "Việc của anh ấy là ăn với ngủ, cuối tuần dắt xe ra đi nhậu, đi chơi với bạn bè. Vất vả lắm đó bác ạ".
Bị tôi bóc mẽ trước mặt mọi người, Thành giận tím mặt nhưng không cãi được câu nào. Sau cùng anh bị mọi người túm vào nói cho một trận. Mẹ chồng tôi bênh con trai cũng bị mắng lây. Ai cũng bảo bà chiều con trai quá nên sinh hư!